Hạ tầng cụm công nghiệp Hà Nội: Lúng túng vì bất cập

Sự chồng chéo trong một số văn bản quy phạm pháp luật khiến Hà Nội gặp khó khi lựa chọn doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật cũng như quản lý đầu tư thứ phát trong cụm công nghiệp (CCN).

Phát triển cụm công nghiệp cần chính sách phù hợp

Phát triển cụm công nghiệp cần chính sách phù hợp

Nghị định số 68/2017/NĐ- CP về quản lý phát triển CCN (Nghị định 68) quy định: Trường hợp một CCN có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, căn cứ năng lực tài chính, kinh nghiệm của từng doanh nghiệp và mức độ khả thi của báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng CCN, Sở Công Thương báo cáo UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Thăng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, "quy định của pháp luật" không chỉ rõ ràng là pháp luật chuyên ngành nào, khiến Hà Nội lúng túng trong lựa chọn tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và Nghị định 68. Hà Nội cũng đã đề nghị lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức xét năng lực tài chính, kinh nghiệm và không đấu thầu nhưng vẫn chưa được UBND thành phố chấp thuận.

Về quản lý đầu tư thứ phát trong các CCN, việc cấp chủ trương đầu tư cho dự án đầu tư thứ cấp được UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu và triển khai các nội dung thẩm định trong pháp luật về đầu tư. Sở Công Thương đã từng xây dựng và trình UBND thành phố Quy chế phối hợp quản lý CCN, trong đó, đề nghị đầu mối tiếp nhận đầu tư thứ phát là Sở Công Thương, tuy nhiên, không được sự thống nhất từ ngành Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi đó, Nghị định 68 quy định "Sở Công Thương là cơ quan đầu mối quản lý CCN". Thực tế, nếu được giao là đầu mối, tiếp nhận, chủ trì giải quyết thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư thứ cấp tại CCN, sẽ tạo thuận lợi và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CCN.

Ngoài ra, do văn bản hướng dẫn triển khai Luật Quy hoạch chưa được ban hành nên chưa có cơ sở để thực hiện quy định cụ thể về vai trò của quy hoạch phát triển CCN; điều chỉnh bổ sung quy hoạch CCN…

Với những bất cập trên, để thành phố cũng như các địa phương thuận lợi trong quản lý, phát triển CCN, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng: Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 68 khá rộng, xuyên suốt từ lập quy hoạch, dự án đầu tư, giao đất… nên liên quan đến nhiều luật như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Vì thế, các địa phương cần được sự hướng dẫn thống nhất, thông suốt của các bộ, ngành trong triển khai Nghị định 68. Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tạo sự đồng bộ giữa quyền hạn - trách nhiệm, điều kiện làm việc của cơ quan chủ trì về CCN trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Theo quy định về lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN tại Nghị định 68, bản chất là chỉ định chủ đầu tư, thu hồi và giao đất không thông qua đấu thầu. Do vậy, cần phải phê duyệt giá trần cho thuê, chuyển nhượng từ chủ đầu tư hạ tầng đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất trong cụm.

Về giá dịch vụ công cộng, tiện ích trong CCN, đối với trường hợp chủ đầu tư không phải nhà nước thì sẽ theo phương thức thỏa thuận. Vì vậy vẫn cần phê duyệt một giá trần để tạo khuôn khổ phù hợp cho đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN. Đồng thời, cần một chế tài riêng về xử phạt vi phạm trong quản lý CCN nhằm bảo đảm sự minh bạch, lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong CCN.

Theo quy hoạch phát triển CCN của thành phố đến năm 2020, xét đến năm 2030, Hà Nội có 159 CCN; trong đó, 70 cụm đang hoạt động; 73 cụm được bổ sung mới và 16 cụm tồn tại từ nhiều năm chưa triển khai hoặc đang đầu tư dang dở.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-tang-cum-cong-nghiep-ha-noi-lung-tung-vi-bat-cap-121858.html