Hạ tầng các cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá: Đầu tư chưa hoàn thiện

Cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá được xem là điểm tựa quan trọng của ngư dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguồn nguyên liệu... nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy, hải sản. Nhưng vì đầu tư chưa hoàn thiện, nên công trình chưa phát huy được hiệu quả.

Dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ (DA), ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) được Bộ NN&PTNT phê duyệt năm 2008, với diện tích 60.000m2, tổng kinh phí thực hiện trên 107 tỷ đồng. Mục tiêu của DA là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá, cũng như nhu cầu neo đậu, tránh trú của tàu thuyền trong mùa mưa bão, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Không có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, cảnKhông có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) luôn trong tình trạng ô nhiễm môi trường.g cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) luôn trong tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đã phát sinh một số bất cập, nên DA chưa phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra. Điển hình là hạng mục đường vào cảng cá. Theo thiết kế được phê duyệt, tuyến đường vào cảng có chiều dài 338m (đoạn nối với đường có trụ sở UBND xã Tịnh Kỳ), chiều rộng mặt đường 7,5m, vỉa hè mỗi bên 2,25m. Dù DA đã bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2016, nhưng đến nay tuyến đường vẫn chưa hoàn thành.

Nguyên nhân là do quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng đã phát sinh tranh chấp giữa 2 hộ dân. Khi vấn đề tranh chấp được giải quyết xong (cuối năm 2018), thì DA đã được tất toán, nên không còn kinh phí để thi công 70m đường còn lại! Trong khi đó, tuyến đường này có lưu lượng người và phương tiện tham gia khá đông, chủ yếu là xe vận chuyển nguyên liệu, thực phẩm và sản phẩm thủy sản. Vì vậy, việc “ngắt đoạn” 70m, đã gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông!

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng 5 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền, gồm: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi); Mỹ Á, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) và Lý Sơn cũng rơi vào cảnh... “3 không”: Không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC), không có hệ thống thu gom xử lý nước thải, không có trang thiết bị tự động phục vụ bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa.

Riêng cảng Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa có một số đơn vị xây dựng mương, rãnh và bể lắng lọc, nhưng nước thải, chất thải quá nhiều, nên chảy tràn ra nhà phân loại cá, khu vực sân cảng. Còn việc “trắng” thiết bị phục vụ công tác bốc dỡ hàng hóa (như băng chuyền vận chuyển nguyên liệu từ tàu lên cầu cảng, cân tự động...) và hệ thống PCCC không chỉ gây mất an toàn lao động, mà còn dễ xảy ra rủi ro cháy nổ. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã có quyết định bố trí 32 tỷ đồng, để mở rộng cầu cảng Mỹ Á và đầu tư hạng mục PCCC, xử lý nước thải tại 4 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền là Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh và Lý Sơn.

Về lâu dài, để phát huy hiệu quả cũng như bảo vệ môi trường ở các cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá, Nhà nước cần quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, nhất là phương tiện phục vụ việc bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm phục vụ nhu cầu của ngư dân. “Hơn nữa, quỹ đất tại các cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão tàu cá hiện nay không còn hoặc còn rất ít, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá phải thực hiện theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa để vừa nâng cao hiệu quả công trình, vừa giảm thiểu tổn hao sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị cũng như chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân”, Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho biết.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202105/ha-tang-cac-cang-ca-va-dich-vu-hau-can-nghe-ca-dau-tu-chua-hoan-thien-3056734/