Hà Nội: Xuất hiện tình trạng xâm phạm trụ nước cứu hỏa

Trụ nước cứu hỏa đặc biệt quan trọng để chữa cháy, là nguồn tiếp nước dập lửa duy nhất trong nhiều trường hợp hỏa hoạn. Thế nhưng, hiện nay tại Hà Nội, trụ nước cứu hỏa ở nhiều nơi đang ở tình trạng bị xâm phạm, chiếm hữu sử dụng vì mục đích riêng của một số người dân thiếu ý thức.

Tại cuộc họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây (tháng 9/2020), đại diện lãnh đạo phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an TP Hà Nội đã có giải đáp những ý kiến của người dân liên quan đến việc vận hành, quản lý các trụ nước cứu hỏa trong Thành phố, cũng như thực trạng của những trụ nước cứu hỏa trong quá trình kiểm tra, giám sát. Theo lãnh đạo phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, đối với các trụ nước cứu hỏa của TP Hà Nội thuộc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật Đô thị (Sở Xây dựng) và các Công ty cấp thoát nước quản lý. Hàng năm đơn vị thường xuyên phối hợp với Ban duy tu có đánh giá, thực hiện duy tu, bảo dưỡng. Ngoài ra, cũng theo lãnh đạo phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết thêm, đối với các trụ nước cứu hỏa đơn vị đã có cơ chế điều hành, tại trung tâm chỉ huy chữa cháy của Công an Thành phố. Khi xảy ra vụ cháy ở khu vực nào đều có số điện thoại để liên lạc, tương tác.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, theo khảo sát của phóng viên xuất hiện tình trạng xâm phạm trụ nước cứu hỏa diễn ra khá thường xuyên, đặc biệt là tại một số khu đô thị, khu dân cư, trong đó, đáng chú ý là tại một số khu vực tái định cư, nhà tập thể cũ trên địa bàn một số quận, huyện. Không những xuất hiện tình trạng xâm phạm trụ nước cứu hỏa mà một số người dân thiếu ý thức thậm chí còn có hiện tượng “chiếm hữu” để sử dụng vào mục đích cá nhân như đặt đồ buôn bán, kê bàn ghế, quây thành nơi bán hàng….

Đơn cử như tại khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa…, tình trạng xâm phạm, chiếm dụng trụ nước cứu hỏa diễn ra ngang nhiên. Khảo sát một số địa điểm khu vực nhà tái định cư 6a, 6b, 6c, 5a, 5b, 5c, 4a, 4b …. thuộc một số tuyến đường như Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cho thấy, hầu như việc xâm phạm trụ nước cứu hỏa diễn ra thường xuyên. Đặc biệt là việc một số người dân tự ý chiếm dụng khu vực trụ nước cứu hỏa làm nơi bán hàng, kinh doanh hoặc để kê, treo, đặt những vật dụng cá nhân. Bác Vũ Văn Lĩnh, cư dân sống tại nhà 6b, đường Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân cho biết; “Việc xâm phạm, chiếm dụng trụ nước cứu hỏa ở khu vực khu vực nhà tái định cư 6a, 6b, 6c, 5a, 5b, 5c, 4a, 4b... thuộc một số tuyến đường như Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân để phục vụ mục đích cá nhân ngày diễn ra thường xuyên, nhưng tôi không thấy người có trách nhiệm giải quyết triệt để. Để đảm bảo về an toàn trong phòng cháy, chữa cháy thì trụ nước cứu hỏa đóng vai trò rất quan trọng. Cư dân chúng tôi đã phản ánh tới chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Do đó, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc giải quyết triệt để tình trạng này, để bà con chúng tôi yên tâm làm ăn, sinh sống”.

Trong khi đó, cũng tại khu vực phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, tình trạng trụ nước cứu hỏa mặc dù nằm ở vị trí đường chính, khá thuận lợi cho việc lấy nước cứu hỏa khi cần, nhưng lại hiện xuất hiện tình trạng hàng chục xe ô tô cá nhân các loại vây kín xung quanh. Bằng mắt thường dễ nhận thấy việc triển khai lấy nước cứu hỏa sẽ gặp nhiều khó khăn khi cần. Anh Đỗ Văn Dũng, cư dân sinh sống tại tòa nhà Cienco 1, đường Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân cho biết: “Đối với các công trình xây dựng, việc phòng cháy chữa cháy luôn đặc rất quan trọng, được cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Và những tòa nhà chung cư cũng luôn thuộc diện cần được quan tâm đặc biệt về hệ thống phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, không hiểu sao, hiện tại khu vực nơi tôi đang ở, một số người dân thiếu ý thức thường xuyên đỗ xe, gây cản trở, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các trụ nước cứu hỏa. Giả sử có tình huống xảy ra, thật khó khăn cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy.”.

Tại số 167, đường Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, còn xuất hiện tình trạng hệ thống ổ cắm, dây điện các loại của nhà hàng K “vây” quanh trụ nước cứu hỏa. Điều này thực sự nguy hiểm khi lực lượng chức năng cần lấy nước để phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy. Ngay khi tiếp cận hiện trường, lấy tư liệu để phục vụ công việc, chúng tôi được “nhận” từ những ánh mắt đầy ái ngại từ một số bảo vệ, nhân viên nơi đây.

Trụ nước cứu hỏa là tài sản bảo vệ lợi ích của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần nắm rõ công dụng, tầm quan trọng của trụ nước cứu hỏa trong công tác PCCC và CNCH. Sự cố cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, hậu quả khó lường. Để tự bảo vệ mình, mỗi người dân cần tự giác bảo vệ trụ nước cứu hỏa, không được tự ý xâm phạm, chiếm hữu sử dụng vào mục đích cá nhân.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận về hành vi xâm phạm, chiếm hữu sử dụng mục đích cá nhân tại một số trụ nước cứu hỏa.

 Khu vực nhà tái định cư 6b, đường Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, người dân thiếu ý thức chiếm dụng trụ nước cứu hỏa để kinh doanh, buôn bán.

Khu vực nhà tái định cư 6b, đường Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, người dân thiếu ý thức chiếm dụng trụ nước cứu hỏa để kinh doanh, buôn bán.

Trụ nước cứu hỏa khu vực tòa nhà Cienco 1, đường Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân bị "vây kín" bởi xe ô tô .

Trong khi đó, tại số 167 phố Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, hệ thống ổ cắm, dây điện chằng chịt xung quang trụ nước cứu hỏa.

Trường Quân

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/ha-noi-xuat-hien-tinh-trang-xam-pham-tru-nuoc-cuu-hoa-572103.html