Hà Nội xuân nhìn từ nét chợ

Nhà tôi ở Nghi Tàm. Từ cầu Nhật Tân vào trung tâm Thành phố là tuyến đường nối nhau Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ. Nghi Tàm ở giữa hai chợ đầu mối lớn nhất thành phố ở hai phía trên tuyến đường này là chợ hoa Quảng An và Chợ rau quả, thực phẩm, thủy sản Long Biên. Một chợ cung cấp thực phẩm, nghĩa là cái ăn hàng ngày của người Hà Nội; một chợ cung cấp muôn vẻ sắc màu hoa tươi làm đẹp cho đời sống tinh thần của người Hà Nội.

Vì vậy, cứ vào những ngày gần tết Nguyên Đán, chỉ cần đứng bên vỉa hè phố Nghi Tàm, nhìn vào dòng người mua sắm ngược xuôi, những vật phẩm ùn ùn to nhỏ, các kiểu dáng cây cảnh, sắc hoa rực rỡ… đan nhau; hoặc phong thái người đi chơi chợ là có thể ngửi thấy mùi xuân Hà Nội.

Cụ thể hơn là hình dung gương mặt người Hà Nội, đời sống người Hà Nội năm đó vui tươi hay ảm đạm, nghèo nàn hay hưng thịnh, thiểu khí hay vượng khí! Nét xuân Hà Nội chưa bao giờ rõ ràng, vui và tươi như thế.

Nói thế có ngoa không? Không hề! Người ta thường nói, đến một vùng đất mới, chỉ cần vào chợ là thấy đời sống văn hóa và vật chất con người ở vùng đất ấy. Mà chợ Tết Hà Nội ở Long Biên hay chợ hoa Quảng An, đặc biệt là Quảng An, chợ hầu như họp thâu đêm, thâu ngày. Người bán hoa thay nhau mà “ngủ gật” ngay ở quầy hoa hoặc lán tạm phong phanh gần đó.

Các quán ăn, theo đó cũng xì xụp suốt đêm, rất thú! Tiểu thương hay thương lái lớn, dịp chợ Tết là “chiến dịch” tổng gặt hái thành quả lao động lớn nhất năm. Năm nào, tiểu thương thất thu vụ Tết cũng giống như người nông dân mất mùa, phải giật gấu vá vai, ăn đong ngày ba tháng Tám.

Tôi có người bạn, nghệ nhân giò chả Ước Lễ Nguyễn Đức Bình, ông có ba cửa hàng giò chả bán lai rai quanh năm nhưng cứ dịp Tết lại phải thuê thêm người làm, cả gia đình hai con trai là nghệ sĩ đàn môi Nguyễn Đức Minh và họa sĩ Nguyễn Đức Phương đều làm thợ gói giò, chuyển giò cho cửa hàng trong “công xưởng” giò chả, nem chua…

Tết của bố mẹ. Tết là vụ thu hoạch đặc biệt trong năm nên nghệ sĩ gì thì nghệ sĩ, sắn tay áo lên mà bưng bê. Gia đình nghệ sĩ bán giò chả mà có đất nọ đất kia, có biệt thự ở Đà Lạt, cũng đáng nể đấy chứ.

Xuân thế là vui rồi, là dâng tửu khà khà cùng con cháu, bạn hữu hội ngộ ngày xuân hoặc tung tẩy du xuân nội quốc, ngoại quốc, một nhu cầu ngày càng lớn của người Hà Nội ngày nay rồi.

Vào tháng trước Tết vừa rồi, tôi ngang qua cổng chợ Long Biên vào lúc 3 giờ sáng. Cuộc sống chợ đêm ở đây đã vô cùng tấp nập; ô tô, xe máy, xe đạp thồ, xe kéo tay vào ra kìn kìn.

Ngoài những tiểu thương lớn nhỏ, là hàng loạt người lao động, bốc vác, kéo hàng thuê. Vòng ngoài cùng, tràn ra cả lòng đường là các xe máy thồ, quán cóc bán trà, thuốc, bánh trái ăn nhanh.

Những người lao động chờ bốc dỡ, vận chuyển hàng túm tụm quanh các quán trà trong làn sương mờ ảo và heo may se lạnh, bóng hình họ chia cắt bới ánh đèn pin loang loáng hoặc ánh đèn chợ mờ xa. Họ đã phải thức đêm đong lại gió sương và mồ hôi của những người lao động ở công đoạn trước.

Người bán trà cũng thức cùng đêm để “đong lại” mồ hôi của bao người bốc vác, làm thuê. Có một cuộc sống người lao động nhọc nhằn, lặng lẽ đối lập với những giấc ngủ say ấm trong chăn mền ở những tòa khách sạn, những cao ốc lộng lẫy đối lập kia. Nhưng cuộc sống là thế.

Tôi cho rằng đây là cơ may để tận mắt thấy cái đa diện, nhiều tầng cấp của cuộc sống Hà Nội. Nó đã cho tôi cái nhìn cảm thông và xúc động khi viết bài thơ về chợ đêm Long Biên ngay đêm đó: “Một chén trà bốc khói/ Tôi uống đêm lổn nhổn phố mưu sinh”.

Mấy năm trước, khi trật tự giao thông còn “thả lỏng”, đào, quất, cây cảnh và nhiều loại hoa nối dài từ chợ Quảng An theo triền đê vào tận ngõ nhà tôi, chợ dài cả hơn cây số. Mặt đường Nghi Tàm ngàn ngạt xe máy thồ, hoặc xe tải nhỏ chở đào, quất, lan… vào phố.

Các cây đào thế độc, quất cảnh dáng lạ, nghễu nghện trên xe tải làm cả phố trầm trồ ngó theo. Những cây tiền tỉ ấy chỉ có thể là các khách sạn hạng sang, các đại gia, các cơ quan lớn mới dám “chơi Tết” sang như vậy.

Giao thông có khi kẹt xe hàng giờ. Bây giờ thì chợ hoa tập trung cả về Quảng An, chỉ lác đác đào, quất ở các ngõ quanh nhưng xa chợ. Chợ hoa lại càng ken đặc người, vì diện tích chợ thu về một điểm.

Ngoài các loại hoa của Hà Nội, những sắc dơn, mai, lan… từ Đà Lạt, miền Nam ra; các loại hoa nào lan, ly, cây cảnh… từ Trung Quốc về; mận, đào rừng từ Tây Bắc xuống phố; hoa và quất, bưởi từ Hưng Yên, Vĩnh Phúc vào; lại đào, quất Nhật Tân ùn ùn ra sân bay Nội Bài để vào Nam… Chợ hoa Hà Nội thật náo nhiệt, đi lại như mắc cửi, như mùa xuân đan sắc, đan hương vào nhau.

Đi chợ hoa và thưởng hoa Tết đã trở thành nét văn hóa từ lâu đời của người Hà Nội. Hầu như Hà Nội, không gia đình nào là không có hoa ngày Tết. Người nghèo có loại hoa, chất lượng hoa của gia đình khó, người khá giả thì có kiểu chơi hoa của người khá giả.

Hoa Hà Nội bây giờ lại càng phong phú về chủng loại, đa dạng về sắc màu, sầm uất quầy và điểm bán. Hoa ta, hoa châu Á, châu Âu… đều có cả. Mà người đi mua hoa Tết, gương mặt cũng như vui tươi, nhuận sắc hơn hẳn những chợ hoa ngày thường.

Năm nào cũng vậy, vào ngày cận Tết, tôi với con trai út, hoặc với vợ thường đi chợ hoa vào lúc một, hai giờ sáng. Vừa đi chơi, đi thưởng không khí chợ hoa xuân sau một năm tất bật công việc; gặp hoa đẹp, hoa lạ, hợp với không gian nhà mình thì mua, không cần cầu kỳ lắm.

Sự giản dị cũng có vẻ đẹp của nó. Năm 2018, báo cáo của Chính phủ cho hay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam lần đầu tiên lên hơn 7% sau 11 năm chờ đợi kể từ 2007. Cũng vì thế, đời sống của Hà Nội có thể sẽ vượng hơn năm cũ. Các chợ đầu mối Long Biên hay chợ hoa Quảng An sẽ nhộn nhịp, sầm uất hơn.

Mùa xuân Hà Nội cứ như bắt đầu từ chợ mà lan tỏa đến các ngõ ngách, phố phường! Đừng để mất những nét văn hóa đẹp mùa xuân, như ta từng tiếc nhớ một làng hoa truyền thống lâu đời, làng hoa Ngọc Hà đã vĩnh viễn biến mất khỏi bản đồ văn hóa hoa Hà Nội.

Trần Quang Quý - Phó CT Hội Nhà văn Hà Nội, Trưởng Ban sáng tác

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-noi-xuan-nhin-tu-net-cho-86669.html