Hà Nội: Xử phạt hàng nghìn trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong 8 tháng năm 2020, hơn 10.300 trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải đã bị xử phạt với tổng tiền phạt trên 31 tỷ đồng.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trong tháng 8/2020, lực lượng Thanh tra Sở này đã lập biên bản vi phạm hành chính 594 trường hợp đối với lĩnh vực vận tải hành khách; 883 trường hợp đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa.

Cụ thể, trong tháng 8/2020, tổng số vụ lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải hành khách là 594 trường hợp, phạt tiền 866.390.000 đồng, tạm giữ 06 phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn 64 trường hợp và tước phù hiệu có thời hạn 30 trường hợp.

Lũy kế 8 tháng năm 2020, đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 4.221 trường hợp, phạt tiền 6.369.020.000 đồng, tạm giữ 49 phương tiện, tước Giấy phép lái xe 524 trường hợp, tước phù hiệu 144 trường hợp.

Nhiều phương tiện vận tải đã bị lực lượng cảnh sát giao thông xử lý (ảnh minh họa)

Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính 883 trường hợp, phạt tiền 3.481.490.000 đồng, tạm giữ 09 phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn 84 trường hợp, tước tem kiểm định an toàn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 13 xe ô tô tải.

Lũy kế 8 tháng, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 6.121 trường hợp, phạt tiền 24.907.350.000 đồng, tạm giữ 94 phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn 689 trường hợp, tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 60 xe ô tô tải. So với cùng kỳ năm 2019, số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng 1.779.670.000 đồng (tương đương 7,69%).

Trước tình trạng vi phạm gia tăng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn chấn chỉnh công tác quản lý lái xe, bộ phận quản lý an toàn giao thông và thực hiện nghiêm việc truyền dữ liệu giám sát hành trình.

Theo đó, các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình phải khẩn trương phối hợp, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải đã ký hợp đồng cung cấp và duy trì dịch vụ thực hiện việc truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình lên hệ thống thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-xu-phat-hang-nghin-truong-hop-vi-pham-trong-hoat-dong-kinh-doanh-van-tai-d129510.html