Hà Nội xử lý ùn tắc giao thông dịp tết: Giảm xe kinh doanh, xóa điểm xung đột

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, dịp cao điểm Tết Tân Sửu 2021, Sở GTVT sẽ quản lý chặt thời gian hoạt động của xe kinh doanh vận tải và xử lý các điểm xung đột giao thông.

Ùn tắc trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: T.Đảng

Ùn tắc trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: T.Đảng

Thưa ông, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịp cuối năm, vậy đâu là nguyên nhân?

Mặc dù những năm qua, thành phố đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên đến nay vẫn chưa theo kịp sự phát triển của đô thị, sự gia tăng phương tiện xe cá nhân, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, trong đó có dịp cuối năm.

Đánh giá về nguyên nhân ùn tắc ở Hà Nội hiện nay, đầu tiên phải nói đến sự mất cân đối giữa hạ tầng và lưu lượng phương tiện hiện có. Theo quy hoạch của Chính phủ, để đảm bảo giao thông vận tải tại Hà Nội, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt 20% - 26%, nhưng hiện nay mới đạt 10,07%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh (đỗ xe) phải đạt 3- 4%, hiện nay mới đạt khoảng 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt 50- 55% nhưng hiện nay mới được 14,8%...

Trong khi đó lượng phương tiện hàng năm không ngừng tăng cao, trung bình mỗi năm tăng 6-10%. Tính đến tháng 10/2020, toàn thành phố có 7,1 triệu phương tiện giao thông được cấp đăng ký, trong đó xe máy là 6,1 triệu; xe máy điện là 167.000; ô tô là 0,8 triệu. Ngoài ra còn có 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố đi lại thường xuyên trên địa bàn Hà Nội.

Thực tế trên đã làm cho nhiều tuyến đường, nút giao thông đang trở nên quá tải khi lưu lượng phương tiện vượt gấp nhiều lần thiết kế mặt đường. Đơn cử, đường Lê Văn Lương - Tố Hữu hiện vào các giờ cao điểm lượng xe đã vượt khả năng thông hành theo thiết kế 1,1- 1,4 lần; đường Huỳnh Thúc Kháng vượt 1,2-1,8 lần; đường Hoàng Quốc Việt vượt từ 1,1-1,24 lần. Thậm chí đường Vành đai 3 trên cao - cầu Thanh Trì vượt gấp 8,1 lần; cầu Vĩnh Tuy vượt 6,3 lần; cầu Chương Dương vượt gấp 8,04 lần; cầu Nhật Tân vượt 1,45 lần thiết kế…

Tiếp đến, các nguyên nhân cơ bản như: công trình thi công hàng rào thu hẹp lòng đường; công trình thi công dở dang, gây các nút thắt cổ chai; một số nút đèn tín hiệu giao thông, công tác tổ chức đi lại chưa hợp lý; các khu vực tập trung đông dân cư, lưu lượng phương tiện đổ ra đường như khu đô thị mới, bệnh viện, trường học, trung tâm mua bán - thương mại… cũng đang làm nhiều tuyến đường, nút giao thông tại Hà Nội ùn tắc kéo dài. Dịp cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao làm cho ùn tắc phức tạp hơn.

Từ thực tế ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, Sở GTVT Hà Nội có những giải pháp gì, thưa ông?

Bằng nhiều giải pháp song song, trong đó có 6 nhóm giải pháp cơ bản đã được thành phố có nghị quyết thực hiện, trong năm qua Sở GTVT Hà Nội đã giải quyết được 8/34 điểm ùn tắc. Đây cũng là năm đầu tiên trong nhiều năm qua, Sở GTVT xử lý các điểm ùn tắc tồn tại từ các năm trước và ghi nhận không có điểm ùn tắc mới phát sinh. Với 26 điểm ùn tắc còn lại, hiện Sở GTVT đã có kế hoạch để xử lý trong năm mới.

Cụ thể, Sở GTVT đã đưa ra 9 nhóm giải pháp để xử lý các điểm ùn tắc còn lại và các điểm ùn tắc có thể phát sinh dịp cao điểm Tết Tân Sửu. Trong đó có các nhóm giải pháp gồm: khắc phục quá tải hệ thống hạ tầng; giảm xung đột phương tiện tại các nút giao thông có mật độ đi lại cao; có giải pháp với hàng rào thi công trên đường; cải tạo các nút thắt cổ chai; phân luồng giao thông phục vụ dịp cao điểm Tết…

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện

Với nhóm giải pháp khắc phục quá tải hệ thống hạ tầng, trong thời gian qua Sở GTVT đã thực hiện xén mở rộng các trục đường: Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hung; trục đường Láng đoạn từ Ngã Tư Sở đến cầu Giấy; trục đường Vành đai 3 dưới thấp Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguvễn Xiển; đường Lê Quang Đạo; đường gom Đại lộ Thăng Long từ cầu Phú Đô đến Lê Quang Đạo; trong năm 2021 Sở GTVT tiếp tục thực hiện rà soát, xén mở rộng tối đa mặt đường, tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông. Số lượng các tuyến đường, trục giao thông được Sở GTVT lên kế hoạch thực hiện xén mở rộng lòng đường trong thời gian tới là trên 10 tuyến.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 10 công trình dựng hàng rào thi công trên đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, trong đó có các công trình đang thực hiện thời gian dài, như: đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; đường vành đai 3 trên cao, dưới thấp đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; dự án Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở; đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; cải tạo trục đường từ đường Thanh Niên đi An Dương giai đoạn 1 và 2; dự án nối Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; sửa chữa mặt cầu Thăng Long; Hầm chui Lê Văn Lương...

Với hàng rào các công trình trên, Sở GTVT đã giao thanh tra giao thông thường xuyên phối hợp với công an thành phố đề nghị các chủ đầu tư thực hiện phương án tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, thường xuyên bố trí người đứng điều tiết, đảm bảo tốt nhất cho phương tiên lưu thông qua khu vực công trường thi công. Yêu cầu các công trường không có tính chất cấp bách, trọng điểm, trước 23 tháng Chạp (lễ ông Công, ông Táo) phải dừng thi công, hoàn trả mặt bằng trên đường, đảm bảo giao thông dịp Tết.

Đặc biệt, với một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh dẫn đến thắt nút cổ chai gây xung đột, ùn tắc giao thông như: Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ; đường 70 đoạn Nhổn - Hà Đông và đoạn từ Hà Đông - Văn Điển; đường Nguyễn Tuân; đường Nguyễn Phong Sắc, đoạn từ Tô Hiệu - Hoàng Quốc Việt; dốc Vĩnh Hưng; nút giao Ba La - QL6, Sở đã yêu cầu thanh tra giao thông bố trí lực lượng để cùng CSGT trực tiếp đứng hướng dẫn, phân luồng giao thông thường xuyên.

Việc hạn chế xe vào nội đô sẽ được thực hiện ra sao?

Sở GTVT yêu cầu các đơn vị thực hiện nhiệm vụ triển khai nghiêm các quy định của thành phố, như với các loại xe tải từ 1,5 tấn trở lên, xe chở hàng kinh doanh siêu trường siêu trọng… không được phép vào nội đô ban ngày.

Với xe tải có trọng tải toàn bộ dưới 1,5 tấn, trong đó có xe chở hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tươi sống chỉ được phép vào nội đô ngoài giờ cao điểm sáng, chiều.

Các loại xe ô tô chở khách như xe hợp đồng trên 9 chỗ, xe du lịch trên 35 chỗ không được phép hoạt động trong khu vực nội đô vào giờ cao điểm sáng, chiều. Xe khách liên tỉnh phải đi theo luồng tuyến và đón trả khách tại các điểm dừng, đỗ theo quy định của thành phố; riêng xe khách liên tỉnh chạy qua Hà Nội được phân luồng cho chạy trên đường trên cao Vành đai 3 và hướng cầu Thanh Trì để tiếp cận QL1, QL5.

Để kịp thời nắm bắt thêm các thông tin về giao thông đi lại, hoạt động vận tải trong dịp cao điểm cuối năm, tuần qua Sở GTVT đã công bố 4 số điện thoại đường dây nóng. Cụ thể: số của Phó Giám đốc Sở Vũ Hà: 0985 811689; Chánh Thanh tra Sở Trần Nhật Quang: 0913 590633; Trưởng phòng Vận tải Đào Việt Long: 0932231683, số máy trực chung: 0243.8217922.

Trọng Đảng (thực hiện)

Trọng Đảng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-xu-ly-un-tac-giao-thong-dip-tet-giam-xe-kinh-doanh-xoa-diem-xung-dot-1770315.tpo