Hà Nội - xe khách trá hình lập 'bến cóc': Treo biển 'xe hợp đồng'vô tư đón khách trong phố

Núp bóng dưới hình thức xe dành cho khách đi du lịch theo tour, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải khách đã qua mặt cơ quan chức năng, tự tổ chức bán vé, đón, trả khách tại các trụ sở văn phòng để tung hoành ngay trên nhiều tuyến đường trung tâm TP Hà Nội.

Văn phòng hãng xe Daiichi Travel trên phố Nguyễn Hữu Huân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng là nơi tập kết, đón trả hành khách đi tuyến cố định Hà Nội – Hải Phòng (ảnh chụp sáng 27/9). Ảnh: Cao Tuân

Văn phòng hãng xe Daiichi Travel trên phố Nguyễn Hữu Huân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng là nơi tập kết, đón trả hành khách đi tuyến cố định Hà Nội – Hải Phòng (ảnh chụp sáng 27/9). Ảnh: Cao Tuân

Xe chở khách núp bóng "xe tour"

Chỉ cần vào google.com và gõ tên các tuyến xe khách từ Hà Nội đi các tỉnh, chúng tôi dễ dàng tìm thấy hàng chục hãng "xe khách giá rẻ, chất lượng cao" quảng cáo, mời chào đặt vé qua mạng Internet và qua điện thoại. Thậm chí, nhiều hãng xe còn mang vé hoặc đưa xe đến đón tận nhà nếu khách ở các quận nội thành.

Trong vai hành khách muốn đi Hải Phòng, chúng tôi liên hệ với nhà xe Daiichi Travel và được hướng dẫn tới mua vé, đón xe tại các điểm số 96 Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm). Như lịch hẹn trước, vào lúc 10h30 và 12h30 ngày 27/9, hai chiếc xe khách 45 chỗ ngồi đến trước cửa văn phòng hãng xe Daiichi Travel đón khách và xếp hành lý trong thời gian dài gây ùn tắc giao thông. Dưới mác xe hợp đồng và xe dịch vụ du lịch tuyến, nhà xe Daiichi Travel "lách luật" bằng cách thu tiền trực tiếp của từng hành khách tại văn phòng rồi hỏi họ tên và địa chỉ của khách để điền vào danh sách trong hợp đồng. Nếu lực lượng chức năng kiểm tra thì nhà xe sẽ đưa danh sách này ra và bao biện rằng đó là khách đi xe theo hợp đồng chứ không phải bán vé cho khách lẻ như xe khách chạy tuyến cố định.

Một đại lý du lịch trên phố Hàng Bạc cho biết, do khách nước ngoài lưu trú tại khu phố cổ đông nên xe khách đi các điểm du lịch rất đa dạng. Theo đó, khách nước ngoài chỉ cần qua đặt vé, đại lý sẽ gọi điện sang nhà xe đặt chỗ hành khách. Tất nhiên, ưu tiên trước hết là giá cả và giá chiết khấu cho đại lý. Chất lượng dịch vụ thì bên nào cũng như nhau. Đây là hình thức "bán khách" phổ biến của các đại lý du lịch ở khu vực phố cổ áp dụng.

Tìm xe khách đi tỉnh Lào Cai, chúng tôi thấy một hàng dài các hãng xe mời chào, trong đó có rất nhiều hãng không đăng ký chạy tuyến cố định trong các bến xe, hoặc chỉ đăng ký lấy lệ vài "nốt", còn chủ yếu dùng xe mang phù hiệu xe hợp đồng, đón khách tại văn phòng của nhà xe, tại các "bến cóc" trong nội thành và dọc đường. Có những nhà xe còn đón, trả khách ở khu vực phố cổ như: Camel Travel, Queen Cafe, Hưng Thành... Đặc biệt, thời điểm sau 17h, trên các tuyến phố Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm)… luôn xuất hiện những chiếc xe giường nằm gắn phù hiệu xe hợp đồng và xe du lịch chờ đón khách lẻ đăng ký đi xe qua mạng Internet hoặc qua điện thoại.

Cũng theo ghi nhận, một số hãng xe còn dùng xe 9 chỗ ngồi núp bóng xe trung chuyển để vào các tuyến phố nội đô đón khách, rồi chạy thẳng đi các tỉnh (theo quy định của Nghị định 86 thì xe trung chuyển dưới 10 chỗ ngồi được vào đón khách trong nội thành), hoặc đưa khách ra các "bến cóc" của nhà xe này để chuyển lên xe giường nằm. Đa số các "bến cóc" này tồn tại trái phép từ lâu, gây mất trật tự an ninh và an toàn giao thông mà không bị xử lý triệt để.

Tinh vi hơn, nhiều doanh nghiệp vận tải không bán vé mà nhân viên chỉ viết giấy biên nhận, hoặc phiếu đặt chỗ. Chính vì không phát hành vé nên nhà nước không có căn cứ để thu thuế, dẫn đến thất thu và những doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính bị thiệt thòi.

Xử phạt kiểu "bắt cóc bỏ đĩa"

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua đơn vị nhận được nhiều phản ánh về việc du khách đi phải những hãng xe "dù", gây bức xúc. Tuy nhiên, hiện Luật Du lịch cũng không quy định tour du lịch phải bao trọn gói cả xe đi, nên rất nhiều đại lý du lịch "bán khách" cho những nhà xe không đảm bảo uy tín. Ngành du lịch chỉ quản lý xe hoạt động vận tải du lịch, còn ngành giao thông quản lý các loại xe hợp đồng. Do đó, chức năng của ngành du lịch chỉ có thể phối hợp với lực lượng CSGT, TTGT kiểm tra, xử lý những xe chở khách mang danh du lịch.

Ngày 27/9, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Đại úy Nguyễn Thế An, Đội phó Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT TP Hà Nội) cho biết: "Trong phố cổ có một số điểm được phép đón trả khách, đặc biệt là tại các khách sạn. Khi chúng tôi kiểm tra thì các nhà xe đã chuẩn bị sẵn danh sách hành khách vận chuyển theo hợp đồng du lịch. Do vậy, chúng tôi chỉ xử lý dừng đỗ, đón trả khách sai quy định còn việc xác định xe khách hoạt động trá hình thì trách nhiệm chính là lực lượng Thanh tra giao thông".

Theo Đại úy Nguyễn Thế An, lực lượng CSGT đã rất tích cực, tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của các nhà xe. Cụ thể, trong 1 tháng vừa qua (từ ngày 15/8 đến ngày 15/9), Đội CSGT số 1 đã xử phạt được 69 trường hợp xe khách vi phạm, riêng hãng xe Daiichi Travel bị xử phạt đến… 2 lần.

Trong khi đó, sau mỗi lần báo chí phản ánh, Sở GTVT Hà Nội đều có văn bản phản hồi và yêu cầu Thanh tra Sở khẩn trương phối hợp với Phòng CSGT, Cảnh sát trật tự Hà Nội tuần tra, kiểm tra, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm. Trong đó, Sở GTVT đã chỉ đích danh một số địa điểm văn phòng đại diện của các đơn vị vận tải tiếp tục sử dụng xe hợp đồng gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị. Thế nhưng, dường như văn bản chỉ đạo của Sở GTVT Hà Nội chỉ quyết liệt trên… giấy, khi hàng loạt xe khách trá hình vẫn vô tư lập "bến cóc" ngay giữa nội thành để đón khách.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có trên 7.000 đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với trên 35.000 xe. Tuy nhiên, do điều kiện kinh doanh đối với loại hình này đơn giản, nên xuất hiện nhiều xe hợp đồng do quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình này còn đơn giản nên nhiều đơn vị vận tải dễ dàng hợp thức hóa các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Bà Hiền cũng cho rằng, Nghị định 86 cần quy định rõ đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng thì lái xe không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định. Đồng thời cần quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe trung chuyển để quản lý chặt chẽ các phương tiện này.

Cao Tuân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-noi-xe-khach-tra-hinh-lap-ben-coc-treo-bien-xe-hop-dongvo-tu-don-khach-trong-pho-20190927174946543.htm