Hà Nội: Xây dựng người nông dân văn minh, hiện đại

Sáng 26/9, Hội Nông dân TP Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2020), biểu dương điển hình tiên tiến Hội Nông dân TP Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 và khen thưởng Hội Nông dân có sản phẩm được cấp chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể.

Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi lễ

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi lễ

Đời sống hội viên được nâng cao

Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, Hội Nông dân TP hiện có trên 477.548 hội viên, ở 406 cơ sở, 2.457 chi hội và 4.724 tổ Hội. Trong những năm qua, các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chấp hành tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Các phong trào thi đua của Hội có nhiều đổi mới như: "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; "Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh"; "Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Các cấp Hội vận động nông dân tích cực "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với Cuộc vận động xây dựng "Nông dân Hà Nội thanh lịch, văn minh" và Cuộc vận động "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn"... ngày càng được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng tham gia.

Cùng với đó, các hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hỗ trợ nông dân về vốn, giống, vật tư nông nghiệp được các cấp Hội triển khai đồng bộ, giúp hội viên nông dân có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả.

Đến nay, trên địa bàn TP xuất hiện nhiều vùng sản xuất chuyên canh như rau an toàn, cây ăn quả, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản... có giá trị kinh tế cao. Kinh tế nông nghiệp Thủ đô có tốc độ tăng trưởng bình quân 2,4% năm.

Nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, nhiều nông dân sáng tạo, đổi mới quyết làm trở thành những điển hình trong sản xuất kinh doanh và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... Những kết quả đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, có 112 gương điển hình tiên tiến được UBND TP Hà Nội và Hội Nông dân TP tặng Bằng khen. Những phần thưởng cao quý mà các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội đón nhận là kết quả của quá trình phấn đấu bền bỉ và đầy sáng tạo, là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và hội viên nông dân Thủ đô qua mỗi các thời kỳ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong những năm qua.

Hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đánh giá cao, biểu dương tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và những thành tích mà Hội Nông dân TP Hà Nội đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hàng loạt những đột phá về khoa học công nghệ đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội. Thực tiễn đang đặt ra cho các cấp hội, cán bộ hội viên, nông dân Thủ đô những cơ hội, thách thức đan xen, đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân TP, cán bộ, hội viên chủ động thay đổi để nắm bắt. Phát huy tinh thần năng động sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Đánh giá cao kết quả mà Hội Nông dân TP đã đạt được trong thời gian vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp hội Nông dân cần tiếp tục củng cố, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, giúp hội viên tiếp cận các chính sách, đường lối đổi mới của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là tiếp cận với khoa học công nghệ mới, xây dựng thành những người nông dân hiện đại.

Tiếp tục trợ giúp cho nông dân sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề giải quyết việc làm. Chú trọng đào tạo tập huấn cán bộ hội, nhất là cán bộ hội cấp cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có phẩm chất đạo đức vững vàng, tư duy sáng tạo, có kỹ năng tập hợp quần chúng, đặc biệt là nhiệt tình, tâm huyết trách nhiệm với phong trào.

Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các cấp Hội Nông dân phát huy vai trò nòng cốt chính trị trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua. Đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và chương trình xây dựng nông thôn mới. Góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững.

Phối hợp tổ chức mô hình khuyến nông, tham gia học tập các mô hình tiên tiến, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiến bộ cho nông dân, cung cấp thông tin thị trường. Phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, để người nông dân yên tâm sản xuất, tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Song song với đó, là tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, tạo sự thống nhất cao trong xây dựng nông thôn mới, nhất là việc duy trì nâng cao các tiêu chí đã đạt được. Phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 đạt được chỉ tiêu 100% các xã, các huyện đạt nông thôn mới và trên 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phương Nga - Phạm Hùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xay-dung-nguoi-nong-dan-van-minh-hien-dai-397144.html