Hà Nội xác định 4 tuyến đê trọng điểm và 12 vị trí xung yếu cần bảo vệ trong mùa mưa bão

Chiều 26-5, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đã thông tin về công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn TP.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT đã nêu dự báo về tình hình thời tiết năm 2020. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2020 tình hình thiên tai có nhiều đặc điểm phức tạp, với nền nhiệt độ trung bình tháng phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C. Đặc biệt trong tháng 3 và 4 nhiệt độ trung bình tháng cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,6-3.0 độ C. Tổng lượng mưa tháng phổ biến cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, riêng tháng 2 và 5 ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm.

Nhận định mùa bão năm 2020 có khả năng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng 12-13 cơn). Trong đó bão và áp thấp nhiệt đới có ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng 1-2 cơn).

Khu vực đồng bằng Bắc Bộ trong đó có TP Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới (trung bình 1-2 cơn). Thời gian ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới chủ yếu tập trung vào tháng 7,8 và 9.

Về nắng nóng, có khoảng 8-10 đợt nắng nóng (từ 2 ngày trở lên). Nắng nóng chủ yếu tập trung nửa cuối tháng 5 đến háng 7. Toàn mùa có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến ở mức 39-41 độ C.

Về lượng mưa trong mùa mưa, lũ năm 2019 (từ tháng 5 đến tháng 10), toàn mùa có khoảng 5-7 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Tổng lượng mưa toàn mùa từ tháng 5 đến tháng 10-2020 vào khoảng 1.300-1.600mm ở mức xấp xỉ và thấp hợn trung bình nhiều năm.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin tại hội nghị chiều 26-5 (ảnh V.H)

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin tại hội nghị chiều 26-5 (ảnh V.H)

Nhìn chung tình hình thời tiết thủy văn năm 2020 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp khó lường; đề phòng hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh; mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ tại các đô thị, vùng trũng thấp; lũ lớn, lũ muộn… ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống nhân dân.

Để chủ động phòng, chống thiên tai thời gian tới, các nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra như: Tổ chức kiểm tra, đánh giá lại số lượng, chất lượng và mua sắm bổ sung các trang thiết bị đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; các công trình phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, để tu sửa, sửa chữa, nâng cấp các công trình đã xuống cấp, hư hại-đặc biệt là hệ thống đê, kè, hồ đập, các công trình tiêu úng trọng điểm, sẵn sàng đối phó với tình huống bất lợi về thời tiết có thể xảy ra.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản-nhất là công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2020, đảm bảo tuyệt đối an toàn với từng công trình trong mùa mưa bão năm 2020; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai TP Hà Nội năm 2020, kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2020-2025. Chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội…

Duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24g ở các cấp để theo dõi, tổng hợp và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xảy ra trên địa bàn TP.

Thời gian qua, để triển khai công tác phòng chống thiên tai, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các công ty thủy lợi tiến hành kiểm tra, rà soát, hồ đập trên địa bàn TP, rà soát quy trình tích nước, vận hành, những hư hỏng, sự cố đầu tư tư sửa nhằm đảm bảo an toàn cho mùa mưa lũ năm 2020. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống ngập úng ngoại thành và đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão 2020.

Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội đã lập báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2020. Qua rà soát các tuyến đê còn 4 trọng điểm: Đê kè Xuân Canh-Long Tửu, huyện Đông Anh; cống Liên mạc-Hữu Hồng, quận Bắc Từ Liêm; cống Cẩm Đình-Vân Cốc, huyện Phúc Thọ; đê kè cống Cẩm Hà-Tân Hưng (Bắc Phú Hữu, huyện Sóc Sơn).

Và có 12 vị trí xung yếu cần bảo vệ, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Phòng chống thiên tai rất tích cực chỉ đạo. Để bảo vệ an toàn cho các vị trí xung yếu này, Sở NN&PTNT đã trình UBND TP xây dựng phương án hộ đê năm 2020 và thành lập Ban chỉ huy phân công cán bộ quản lý.

Trên cơ sở các phương án UBND TP phê duyệt, Sở đã phân công nhiệm vụ, các điều kiện về con người, cơ sở vật chất đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ). Đồng thời, xây dựng phương án huy động các đơn vị sẵn sàng ứng phó. Các lực lượng ứng trực tổ chức xử lý tình huống cụ thể, tuần trả, xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng về đê điều và ứng cứu kịp thời ngay từ thời điểm đầu.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-xac-dinh-4-tuyen-de-trong-diem-va-12-vi-tri-xung-yeu-can-bao-ve-trong-mua-mua-bao-194704.html