Hà Nội vượt 40 độ C, tia cực tím ở mức nguy hiểm

Chỉ số tia UV tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM ở mức báo động, có nguy cơ gây hại cao với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp nắng nóng gay gắt.

Tại bản tin dự báo thời tiết lúc 9h30 sáng 18/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết hôm nay và ngày mai chỉ số cảnh báo tia tử ngoại (UV) có giá trị từ 7-9 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Ở mức độ này, tia cực tím sẽ có nguy cơ gây hại cao với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp nắng nóng gay gắt. Nếu không có biện pháp bảo vệ, bạn có khả năng bị cháy nắng.

Do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên nắng nóng gay gắt xuất hiện trên diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ.

Dự báo thời tiết khu vực Hà Nội và TP.HCM.

Dự báo thời tiết khu vực Hà Nội và TP.HCM.

Nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, riêng khu vực Bắc Bộ và vùng núi các tỉnh Trung Bộ có nơi xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 40 độ C.

Đợt nắng nóng này kéo dài đến ngày 19/5 ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và đến ngày 20/5 ở các tỉnh ven biển trung và Nam Trung Bộ.

Khu vực Hà Nội nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-39 độ, có nơi trên 40 độ C. Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kéo dài trong 1-2 ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên ở khu dân cư có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn.

Ngoài ra, nắng nóng có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Theo các bác sĩ, việc bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời nói chung, tia cực tím nói riêng nên phòng ngừa bắt đầu từ tuổi nhỏ và mọi lúc, mọi nơi. Các biện pháp bao gồm:

- Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, đặc biệt vào thời điểm mà nhiều ánh nắng nhất trong ngày (từ 10-16h)

- Mặc quần áo dài tay, váy dài che kín cơ thể, chọn chất liệu vải dệt khít nhau, màu sáng để tránh bắt nắng.

- Đội mũ rộng vành để che mặt và cổ.

- Sử dụng chất chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Bôi chất chống nắng ít nhất 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau 2 giờ, cả khi trời có mây.

- Luôn đeo kính khi ra đường.

- Trẻ em chỉ nên tắm nắng trong khoảng thời gian trước 8h và sau 17h. Hạn chế cho trẻ ra ngoài. Khi buộc phải ra ngoài, cần che chắn, bảo hộ, thoa kem chống nắng như người lớn.

Tia cực tím tác động đến cơ thể như thế nào? Tia cực tím, còn gọi là tia UV, có thể gây ra các vấn đề về da ở nhiều mức độ, từ cháy nắng, dị ứng đến ung thư da.

Đoàn Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ha-noi-vuot-40-do-c-tia-cuc-tim-o-muc-nguy-hiem-post947391.html