Hà Nội: Viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết tăng

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ ngày 5 đến 12/7) số lượng người nhập viện do mắc các bệnh truyền nhiễm, như viêm não và sốt xuất huyết tăng.

Cụ thể, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, trong 2 tuần gần đây, nhất là vào thời điểm nắng nóng, lượng bệnh nhi mắc viêm não nhập viện lại gia tăng. Trung bình, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận từ 10 đến 12 ca viêm não.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố ghi nhận 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố ghi nhận 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới khuyến cáo, từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não. Do đó, trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.Hiện tại Trung tâm đang điều trị cho 55 ca viêm não, trong đó có 27 ca viêm màng não, 8 ca viêm não Nhật Bản, 20 ca viêm màng não mủ. Đa phần các ca viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản đều không tuân thủ tiêm phòng theo đúng quy định.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố ghi nhận 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết (phân bố tại 28/30 quận, huyện, thị xã và 198/579 xã, phường, thị trấn), giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh trong 3 tuần gần đây. Một số xã ghi nhận nhiều bệnh nhân và có ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, như: Xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) có 182 ca; xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) 48 ca; xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) 44 ca...

Để phòng chống sốt xuyết huyết, Bộ Y tế khuyến cáo do đây là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Bên cạnh đó, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Với bệnh viêm não Nhật Bản hiện, đã có vắc xin và vắc xin đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, được tiêm miễn phí cho trẻ 1- 5 tuổi, do vậy người dân cần để ý tới lịch tiêm chủng của trẻ.

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, trẻ em dưới 5 tuổi cần tiêm 3 liều cơ bản. Cụ thể, mũi 1 tiêm lúc trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần và mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi, nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản.

Bên cạnh đó, theo ông Bắc, do đường lây bệnh là muỗi do vậy ngành Y tế sẽ tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân về tác hại của bệnh, sự nguy hiểm của muỗi lây truyền bệnh và phổ biến các biện pháp diệt muỗi trưởng thành và bọ gậy (lăng quăng) bằng mọi hình thức từ dân gian đến dùng hóa chất.

"Các biện pháp thường áp dụng diệt bọ gậy là khơi thông hệ thống cống rãnh, lấp ao tù, nước đọng sau các trận mưa; thả cá có khả năng ăn bọ gậy vào các chum, vai, lu đựng nước; đậy kín các chum, vại, lu đựng nước không cho muỗi vào đẻ trứng, thay nước trong lọ cắm hoa hàng ngày. Bắt muỗi bằng bẫy, bằng vợt, bằng đèn. Cần tránh muỗi đốt bằng cách nằm màn khi ngủ, dùng hương muỗi, tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi, nhất là các địa phương đang có người mắc bệnh viêm não Nhật Bản hoặc đang có dịch viêm não Nhật Bản xảy ra", ông Bắc khuyến cáo.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ha-noi-viem-nao-nhat-ban-va-sot-xuat-huyet-tang-129877.html