Hà Nội vẫn muốn sơn đồng phục cho 20.000 taxi

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội với điểm đột phá công nhận loại hình taxi là vận tải công cộng.

Trước đó, dự thảo này được xây dựng từ khá lâu nhưng vẫn chưa được thông qua vì Bộ GTVT cho rằng, Hà Nội không nên quy định một màu sơn cho taxi.

Theo đó, việc quy định về số lượng xe taxi, UBND TP Hà Nội thống nhất quản lý về phương tiện taxi theo Kế hoạch phát triển các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn thành phố, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố. Một điểm mới và đột phá tại Dự thảo Quy chế này là Hà Nội đã công nhận loại hình taxi là vận tải công cộng.

Ngoài ra, điểm đáng chú ý là Sở GTVT Hà Nội quy định về màu sơn taxi của Hà Nội. Cụ thể, thống nhất thiết kế 3 màu sơn chung gồm xanh, ghi bạc, trắng. Hiệp hội Taxi Hà Nội được giao nhiệm vụ liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ để đăng ký màu sơn chung cho taxi Hà Nội. Hà Nội dự kiến đưa ra lộ trình “mặc đồng phục” cho khoảng 20.000 xe taxi trên địa bàn TP.

Cụ thể, từ năm 2019 đến 2025, xe taxi thay mới, tăng thêm sẽ áp dụng màu sơn chung; từ năm 2026, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội.

Điều đáng nói, trước đây, Bộ GTVT đã từng có ý kiến: “Theo các luật hiện hành thì việc quy định một màu sơn cho các hãng taxi là không phù hợp. Hà Nội nên đưa ra các màu sơn để định hướng các doanh nghiệp tự lựa chọn, thuận lợi cho việc kinh doanh, quảng bá thương hiệu của đơn vị”.

Nếu áp dụng chung một màu sơn, các doanh nghiệp taxi sẽ mất đi bản sắc riêng?

Dự thảo cũng nêu rõ, xe taxi cũng sẽ phải đảm bảo quy định về tiêu chuẩn khí thải, đối với xe đang hoạt động đảm bảo tiêu chuẩn khí thải theo quy định hiện hành; với xe taxi thay mới kể từ khi Quy chế có hiệu lực: Đảm bảo tiêu chuẩn khí thải mức 4; từ ngày 1-1-2022: đảm bảo tiêu chuẩn khí thải mức 5. Xe taxi phải được bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo các điều kiện vận hành và hình thức mỹ quan đô thị, xe phải được dọn rửa, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, đảm bảo nội thất không có mùi gây phản cảm cho hành khách đi xe.

Với Quy chế đưa loại hình taxi xếp vào vận tải khách công cộng nên TP cũng sẽ ưu tiên, có những điểm đỗ công cộng dành cho xe taxi. Thêm một điểm mới ở Dự thảo Quy chế này, từ ngày 1-1-2019, các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của Trung tâm Quản lý phần mềm dùng chung taxi Hà Nội.

Dữ liệu phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội được kết nối với hành khách, lái xe và đơn vị taxi thông qua các thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng). Đơn vị taxi, lái xe không được dùng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội. Trung tâm Quản lý phần mềm dùng chung taxi Hà Nội do Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng và điều hành.

Quy định về Trung tâm Quản lý phần mềm dùng chung taxi Hà Nội của các đơn vị taxi được nêu cụ thể, thông qua phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội để điều hành khoa học, tối ưu hóa hành trình vận tải, nhằm giảm chi phí và đạt hiệu quả hoạt động của đơn vị taxi. Phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội thuộc Trung tâm Quản lý phần mềm dùng chung taxi Hà Nội phải được kết nối với Trung tâm điều hành giao thông chung của TP với mục đích giám sát việc hoạt động của các đơn vị taxi đảm bảo chất lượng đã đăng ký.

Taxi cũng sẽ được bố trí điểm đỗ xe taxi công cộng, các điểm này có thể được bố trí riêng biệt hoặc xen lẫn với các điểm đỗ xe công cộng khác; thực hiện theo quy hoạch chung đối với các điểm dừng, đỗ trên địa bàn TP và phải có vị trí dành cho xe taxi (tùy vào quy mô điểm đỗ). Dự thảo cũng quy định rõ, xe taxi được dừng, đỗ tại các điểm đỗ xe công cộng không quá 20 phút.

Sau thời gian 20 phút, xe taxi phải di chuyển khỏi điểm đỗ công cộng. Nếu xe taxi có nhu cầu đỗ quá thời gian 20 phút thì phải nộp phí trông giữ xe theo quy định; Xe taxi đăng ký hoạt động tại vùng 1 được đón, trả khách tại các vị trí không cấm dừng, đỗ; không được sử dụng các điểm đỗ công cộng cho xe taxi trong vùng 1 và ngược lại.

Xe taxi đăng ký hoạt động tại vùng 2 được đón, trả khách tại các vị trí không cấm dừng, đỗ; không được sử dụng các điểm dừng đón, trả khách cố định cho xe taxi trong vùng 1 và ngược lại. Trong đó vùng 1 bao gồm địa giới hành chính tại các quận trên địa bàn thành phố; vùng 2 bao gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Ngọc Yến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/ha-noi-van-muon-son-dong-phuc-cho-20-000-taxi-521166/