Hà Nội vẫn gặp khó với chỉ tiêu tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng

Hà Nội ngoài vùng lõi đô thị sầm uất ra còn có vùng ngoại thành rộng lớn với dân số lên tới 3,8 triệu người. Cùng với sự phát triển của kinh tế, công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở ngoại thành tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo.

Chất lượng dịch vụ y tế ở nhiều địa phương cơ bản đáp ứng được yêu cầu, giúp TP Hà Nội duy trì 386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí này. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn nhất ở chỉ tiêu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, với TP phải đạt dưới 13,9% (trong khi của trung ương là <= 20%).

Một lớp học mầm non ở ngoại thành Hà Nội

Thống kê gần đây nhất, tháng 8/2017 toàn TP mới có 60/386 xã đạt tiêu chí tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 13,9%. Có khá nhiều huyện có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao như Ba Vì, Ứng Hòa…, với các xã còn tỷ lệ cao chót vót từ 17-25%, tức cứ 4-5 trẻ em lại có một mắc.

Suy dinh dưỡng thể thấp còi là một trong những yếu tố làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, suy giảm sức khỏe khi còn nhỏ và đe dọa khả năng học tập cũng năng suất lao động khi đã trưởng thành, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư...

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, ông Lê Danh Tuyên phân tích tại “Hội nghị Cộng tác viên Báo chí nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng” năm nay, rằng nguyên nhân của tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng không phải là thiếu ăn về lượng mà chủ yếu thiếu về chất do khẩu phần ăn của người dân không đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho nhu cầu cơ thể, đặc biệt trong các giai đoạn quan trọng như đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang trong thời kỳ phát triển thể chất.

Điều tra tỉ mỉ của Viện Dinh dưỡng đã chỉ ra rằng khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hiện nay mới chỉ là ăn no, ăn ngon chứ chưa đạt ăn bổ vì hầu hết không đáp ứng đủ các nhu cầu về các vitamin và chất khoáng.

Theo các nhà khoa học thì vi chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn động vật có giá trị cao hơn, giúp cơ thể của con người dễ hấp thu hơn so với vi chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn thực vật nhưng lại hạn chế bởi có giá cao. Chính yếu tố giá cả trên làm cho nguồn thức ăn động vật trở thành ngoài tầm với trong bữa ăn hàng ngày của nhiều người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Để đẩy lùi vấn nạn suy dinh dưỡng trên trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến sức khỏe của giống nòi Việt Nam, Viện trưởng Lê Danh Tuyên khuyên các chủ gia đình cần quan tâm đến việc chăm sóc dinh dưỡng ngay từ tuổi vị thành niên, đặc biệt là giai đoạn mới kết hôn hay chuẩn bị sinh con.

1.000 ngày vàng là điều không thể bỏ lỡ. Yếu tố dinh dưỡng cần phải phân bổ hợp lý trong giai đoạn này, tức là từ khi người phụ nữ bắt đầu mang thai đến khi con 2 năm tuổi.

Sự phát triển chiều cao của trẻ em phụ thuộc vào gen di truyền và các yếu tố khác như dinh dưỡng, bệnh tật, tập luyện, trong đó dinh dưỡng được coi là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất và dễ dàng đáp ứng nhất. Đảm bảo dinh dưỡng trong thời gian mang thai để giúp con trong bụng phát triển tốt và mẹ có đủ dự trữ các chất dinh dưỡng để nuôi con sau khi nó chào đời.

Không chỉ là yếu tố kinh tế, chuyện suy dinh dưỡng còn do cả các yếu tố thiếu hiểu biết, kỹ năng làm mẹ. Câu chuyện ở nhiều vùng ngoại thành Hà Nội là một ví dụ, tuy không quá nghèo nhưng lại có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao bởi chưa biết ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm. Chưa biết cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

Chưa biết thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D cho trẻ. Chưa biết cho trẻ từ 24 đến 60 tháng uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm và thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun. Chưa biết cho phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn…

NGUYỄN THỊ THẮM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ha-noi-van-gap-kho-voi-chi-tieu-ty-le-tre-suy-dinh-duong-post230360.html