Hà Nội: Tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu

Sáng ngày 14/11, lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của Thủ đô năm 2018 và trao tặng giải thưởng 'Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo' lần thứ II được tổ chức long trọng tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, nhân kỷ niệm 36 năm ngày Quốc tế Hiến chương Nhà giáo.

Trong không khí phấn khởi của các thế hệ học sinh cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức trọng thể lễ tuyên dương khen thưởng, tôn vinh sự nghiệp trồng người, đồng thời, ghi nhận và khích lệ những tấm gương tâm huyết, “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Chương trình nhằm tôn vinh, ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt của ngành giáo dục đào tạo (GD-ĐT) Thủ đô.

Tới dự buổi lễ có sự góp mặt của các đồng chí: Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ... và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cùng hơn 1.000 đại biểu đại diện cho các Anh hùng Lao động, Nhà giáo ưu tú, Công dân Thủ đô ưu tú và các thầy cô giáo của Thủ đô Hà Nội.

Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ II.

Tại buổi lễ, TS. Chử Xuân Dũng, Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội tổng kết nhanh: “Sự chuyển biến tích cực của ngành GD&ĐT Thủ đô năm học vừa qua đã diễn ra toàn diện trên các mặt, đều khắp ở các cấp học, nhà trường, cả ở công lập và ngoài công lập; sự đổi mới, hiệu quả của các đơn vị quản lý giáo dục từ sở cho đến các phòng GD&ĐT. Trong mỗi công việc hàng ngày, trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động, rất nhiều nhà giáo mẫu mực càng trở nên tiêu biểu, nhiều cán bộ quản lý giỏi được đồng nghiệp thừa nhận, học sinh tin yêu, quý trọng. Tính đến đầu năm học 2018-2019, Hà Nội có 2.689 trường và gần 2 triệu học sinh mầm non và phổ thông. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố hiện là 52%, trong đó công lập là 62%; tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn là 78%".

Theo TS. Chử Xuân Dũng, công tác quản lý và chỉ đạo của ngành tiếp tục được đổi mới, rõ phương châm chỉ đạo, rõ mục tiêu phấn đấu là: “Kỷ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao”, tạo bước chuyển biến về kỷ cương, nền nếp trong quản lý dạy và học. Công tác thi và tuyển sinh có nhiều đổi mới căn bản và đạt kết quả tốt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại, tạo nên diện mạo mới, các trường học ngày càng khang trang, xanh, sạch và đẹp hơn. Các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao gắn với các hoạt động chính trị - xã hội của Thủ đô đã đem lại những kết quả tốt.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thay mặt lãnh đạo thành phố gửi lời chúc tốt đẹp đến các thầy, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đồng thời, ghi nhận những đóng góp quý giá của các thầy cô được tuyên dương, đồng thời ghi nhận và tri ân những đóng góp thầm lặng của nhiều thế hệ thầy cô, những “anh hùng thầm lặng” tận tụy cống hiến, đào tạo và dìu dắt nhiều thế hệ học sinh.

Chia sẻ về những khó khăn, tồn tại nhất định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho rằng cần phải nghiêm túc đánh giá và sớm khắc phục: Số lượng trường học nhiều nhưng công tác quy hoạch mạng lưới chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp học cục bộ ở một số địa bàn; một số trường có sĩ số học sinh trên một lớp cao; khu vực nội thành còn khó khăn về diện tích đất, không đủ tiêu chuẩn đạt trường chuẩn quốc gia; trang thiết bị dạy học, hệ thống thư viện, phòng học bộ môn ở một số trường ngoại thành, vùng xa còn hạn chế về số lượng và chất lượng, một số huyện còn tồn tại phòng học cấp 4 và tình trạng nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn; một số trường ngoài công lập còn chưa làm tốt công tác tuyển sinh đầu cấp; còn xảy ra hiện tượng quản lý thu chi sai quy định...

Tại buổi lễ, đại diện sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố quyết định khen thưởng: 61 đơn vị tiêu biểu các cấp học và phòng GD&ĐT được Chính phủ, bộ GD&ĐT và UBND TP.Hà Nội tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua” trong năm học 2017-2018; 17 tập thể, cá nhân vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; 17 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 364 tập thể đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; 108 tập thể, 149 cá nhân được tặng Bằng khen thành phố; 62 tập thể và 99 cá nhân được tặng Bằng khen của bộ GD&ĐT và 15 cá nhân được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao Huân chương Lao động cho các cá nhân và tập thể.

Đó thực sự là những người thầy mẫu mực, yêu nghề, giỏi chuyên môn, chuẩn mực về đạo đức và phong cách. Đó cũng chính là kết quả hơn 10 năm triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã được ngành GD&ĐT phát động, hướng phấn đấu để các thầy cô giáo nêu cao tài - đức, xây dựng phẩm cách người giáo viên Hà Nội.

Em Lê Thảo Linh học sinh lớp 9A4 trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm) bày tỏ lòng biết ơn tới thầy cô: “Không có nhân tài nào mà sau lưng không có bóng dáng của các thầy cô".

Học sinh Lê Thảo Linh bày tỏ sự biết ơn sâu sắc trước những người thầy đã dạy dỗ nên người.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Nhà trường đã tổ chức được nhiều mô hình sáng tạo “Ngày hội sáng tạo, lãnh đạo tương lai với những chùm hoạt động cho các con được làm thí nghiệm, chế tạo robo, ngôi nhà thông minh, các sản phẩm có ý nghĩa trong cộng đồng. Để gặt hái những thành tích, giáo viên và trường đã luôn đồng hành sát cánh cùng các con, định hướng để các con hoàn thành ý tưởng sáng tạo, chính vì vậy mang lại nhiều kết quả tốt, với các cuộc thi trong và ngoài nước. Đặc biệt, một trong những ngày hội thiết thực nhất, trường tổ chức cho các con ngày hội sáng tạo vì cộng đồng, các con được tự tay trang trí nhà vệ sinh khẩu hiệu tuyên truyền thực hiện nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện, các bạn cùng chung tay giữ nhà vệ sinh sạch đẹp. Nhà trường cũng đầu tư khang trang để các con có cảm giác như ở nhà khi đến trường”.

Là giáo viên trẻ tuổi nhất, cô Dương Thị Trang, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, trường THPT Hồ Xuân Hương, hệ thống giáo dục Học mãi chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của tôi là học hỏi thêm kinh nghiệm để có thể sáng tạo hơn nữa trong công tác giảng dạy, triển khai thêm nhiều phương pháp hay, phù hợp với đa dạng đối tượng học sinh hơn. Sáng tạo là không ngừng, tôi sẽ cố gắng đưa thêm nhiều phương pháp để các bạn học sinh thêm hứng thú với môn học”.

Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Phan Huy Chú chia sẻ: "Chúng tôi không bao giờ dạy học sinh phải biết ơn thầy cô giáo, mà dạy luôn học sinh phải biết ơn chính bố mẹ của các em. Khi đã biết ơn bố mẹ, bố mẹ các em sẽ dạy các em trân quý thầy cô".

Chính sự lao động tận tụy trách nhiệm và tình yêu nghề, những đóng góp thường ngày của mỗi nhà giáo, mỗi cán bộ quản lý cho từng giờ học tốt, trong các hoạt động xã hội đã làm nên những thành tích mới của ngành GD&ĐT Thủ đô.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-noi-tuyen-duong-khen-thuong-cac-dien-hinh-tien-tien-nha-giao-mau-muc-tieu-bieu-a410903.html