Hà Nội truy tìm 'thủ phạm' gây ô nhiễm không khí từ các tỉnh lân cận

Các chuyên gia đang tiến hành phân tích thành phần hóa học bụi mịn PM2.5 để xác định nguồn gây ô nhiễm. Đáng chú ý, nguồn này ngoài phát sinh tại chỗ thì còn có thể đến từ cả các tỉnh khác trong khu vực như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh…

Sáng 11/10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức hội thảo “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội – Hành động của chính quyền và người dân”.

Phát biểu tại đây, các nhà khoa học cho biết, ngoài những nguyên nhân tại chỗ vẫn được đề cập nhiều như khí thải từ giao thông, đốt rơm rạ, bếp than tổ ong, xây dựng, đun nấu, rác thải… thì nguyên nhân khiến không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội bị ô nhiễm còn đến từ nguồn phát thải ở các tỉnh thành trong khu vực.

Trình bày nghiên cứu của mình, TS Lý Bích Thủy – Viện Khoa học Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong 20 năm qua (từ năm 1999-2019), nồng độ bụi mịn PM10 và PM2.5 trên địa bàn thành phố Hà Nội đều cao hơn mức khuyến nghị của WHO và quy chuẩn của Việt Nam.

Cũng như các nhà khoa học đã nhận định trong thời gian gần đây, bà Thủy cho biết, nồng độ bụi mịn trên địa bàn thành phố Hà Nội thay đổi theo mùa trong năm. Có thể khi điều kiện bình thường thì ô nhiễm thấp, nhưng khi điều kiện khí hậu bất lợi thì nồng độ bụi mịn rất cao. Đơn cử như tình trạng ô nhiễm không khí vào cuối tháng 9 vừa qua, theo bà Thủy, về cơ bản vẫn là do yếu tố khí tượng.

“Còn muốn biết cụ thể phải lấy mẫu phân tích đánh giá thành phần hóa học của bụi mịn PM2.5, từ đó xác định nguồn phát thải.” – bà Thủy nói.

Mặc dù vậy, TS Lý Bích Thủy cũng nhấn mạnh: “Nồng độ bụi PM2.5 tăng trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đổ tại trời và không làm gì được. Phải làm thế nào để trong điều kiện thời tiết đó vẫn không bị tăng cao quá. Đây là vấn đề cần giải quyết quyết liệt, rất khó. Không còn cách nào khác là phải giảm nguồn phát thải từ con người”.

Đáng chú ý, chia sẻ tại Hội thảo, Giáo sư Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giảng viên trường ĐH Tự nhiên Hà Nội cho biết, nguồn nội tại gây ra bụi mịn PM2.5 của thành phố Hà Nội chỉ chiến hơn 30%. Số còn lại gây ô nhiễm bụi mịn PM2.5 cho thành phố Hà Nội đến từ các nhà máy, các tỉnh thành trong khu vực và đến từ tự nhiên.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Lệ Thu – đại diện của Ngân hàng thế giới cho biết, các loại bụi gây ô nhiễm không khí cho TP Hà Nội đi theo hướng gió. Do vậy, các nhà khoa học cũng phải xác định nguồn thải đến từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng hay các tỉnh phía Bắc”, bà Thủy nói và cho biết, Ngân hàng Thế giới đang tài trợ cho thành phố Hà Nội cùng các chuyên gia kiểm kê nguồn thải, phân tích thành phần hóa học trong bụi PM2.5 để xác định nguồn gây bụi.

Theo bà Thu, quá trình phân tích này đến tháng 5/2020 mới có kết quả. Khi đó, nếu xác định nguồn thải ở tỉnh nào thì thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với tỉnh đó để đưa ra giải pháp để kiểm soát.

Bà Lưu Thanh Chi – Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, thời gian qua thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp làm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn, trong đó có việc quản lý, vận hành liên tục 10 trạm quan trắc không khí tự động; xây dựng Dự án hệ thống mạng quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới 33 trạm quan trắc không khí tự động, trong đó có 20 trạm cố định 12 trạm cảm biến và 1 xe quan trắc lưu động; đầu tư xử lý nhà máy rác thải bằng công nghệ đốt điện; lên phương án xây dựng trạm rửa xe tự động tại các cây xăng ở cửa ngõ ra vào thành phố…

Về bụi mịn 2.5, bà Chi cho biết, Chi cục đang phối hợp với các nhà khoa học phân tích thành phần hóa học của loại bụi này.

“Chúng tôi đang nỗ lực xác định cụ thể nguồn gây bụi PM2.5 đến từ đâu. Từ đó, TP sẽ đưa ra các giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, trong đó có việc kiểm soát nguồn gây bụi mịn PM2.5” – Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội nói.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201910/ha-noi-truy-tim-thu-pham-gay-o-nhiem-khong-khi-tu-cac-tinh-lan-can-641688/