Hà Nội trong tuần: Tuyên dương 100 nhà giáo, BHXH quyết liệt thu hồi nợ đọng

Hà Nội tuyên dương 100 nhà giáo ưu tú, BHXH quyết liệt thu hồi nợ đọng, Tháng khuyến mại Hà Nội 2017... là những tin đáng chú ý tuần qua.

Tháng khuyến mại Hà Nội 2017: Cơ hội cho doanh nghiệp, niềm vui với người tiêu dùng

Để góp phần thúc đẩy sản xuất, bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của thành phố và hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", vào dịp cuối năm Hà Nội lại tổ chức tháng khuyến mại Hà Nội. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước quảng bá khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt với người tiêu dùng.

Qua 8 năm triển khai, Chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người tiêu dùng. Năm nay, với thông điệp "Tưng bừng khuyến mại - An tâm mua sắm”, Tháng khuyến mại Hà Nội có nhiều điểm mới.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho hay: "Tháng khuyến mại Hà Nội 2017 có nhiều nét đột phá. Cụ thể, tham gia chương trình không chỉ có các doanh nghiệp bán lẻ, mà còn có nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thực phẩm, ngân hàng, y tế, giáo dục, du lịch, thời trang…

Theo thống kê của Sở Công thương, có khoảng 500 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia, riêng doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm khoảng 20 - 30%. Trong Tháng khuyến mại 2017, ngoài các doanh nghiệp tham gia gắn bó lâu năm, Ban tổ chức cũng nhận được đơn yêu cầu của các doanh nghiệp Việt uy tín, có thương hiệu mạnh như: Khóa Việt Tiệp, Vinaphone, thời trang GenViet... mong muốn được trưng bày sản phẩm, hàng hóa để người tiêu dùng tham quan mua sắm".

Bên cạnh việc triển khai Tháng khuyến mại tại các điểm “vàng” mua sắm, Ban tổ chức còn mở rộng kênh bán hàng trực tuyến qua mạng Internet nhằm khuyến khích phát triển thương mại điện tử, tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nằm trong chuỗi hoạt động, sự kiện “Ngày hội khuyến mại du lịch” là điểm nhấn nổi bật của chương trình.

Ngoài ra còn có chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đưa hàng về nông thôn. Năm nay, các doanh nghiệp tham gia Tháng khuyến mại sẽ tổ chức khoảng 1.000 điểm khuyến mại. Tuy nhiên, khác với những lần tổ chức trước, các điểm bán hàng trong Tháng khuyến mại năm nay sẽ không bó hẹp tại địa bàn các quận nội thành, mà được mở rộng tới một số huyện ngoại thành như: Ứng Hòa, Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, Đông Anh...

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: "Ban tổ chức sẽ triển khai các điểm hội chợ “vàng” khuyến mại tại một số khu vực ngoại thành, qua đó đưa hàng Việt về nông thôn. Dự kiến tại khu vực ngoại thành sẽ có khoảng 30 - 35% số điểm bán hàng khuyến mại. Tại các điểm bán hàng khuyến mại sẽ có một khu trưng bày các sản phẩm giảm giá đặc biệt, trong đó 80% là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam".

Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành khảo sát, tổ chức hơn 300 chuyến bán hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã và các khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, khu công nghiệp Kim Chung - Đông Anh (Hà Nội)... Tổ chức 22 phiên chợ Việt và hơn 100 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của nhân dân...

BHXH TP. Hà Nội: Quyết liệt thu hồi nợ đọng

Nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, BHXH TP. Hà Nội quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Đây cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Theo số liệu thống kê của BHXH thành phố Hà Nội, tính đến hết ngày 30/9 đã có 500 doanh nghiệp nợ từ 6 - 24 tháng trở lên, với số tiền hơn 434 tỷ đồng (chiếm 13,3% tổng số nợ của toàn thành phố. Các doanh nghiệp này đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 20.000 lao động trên địa bàn Thủ đô.

Điển hình là Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (huyện Mê Linh) nợ 15 tháng, hơn 22,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cầu 12 CIENCO 1 (quận Long Biên) nợ 12 tháng, 14 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cầu 14 nợ 22 tháng, 14 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (quận Hà Đông) nợ 13 tháng, hơn 11 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4 (quận Đống Đa) nợ 15 tháng, hơn 10 tỷ đồng…

Trước thực trạng đó, BHXH thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với Công an thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục Thuế TP. Hà Nội triển khai Quy chế phối hợp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020.

BHXH TP. Hà Nội cũng chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã chuyển các đơn vị nợ trên 12 tháng sang Liên đoàn Lao động thành phố để khởi kiện; báo cáo cấp ủy Đảng, chính quyền sở tại để chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc thu hồi nợ; thành lập chuyên đề thu nợ, thanh tra, kiểm tra…

Đặc biệt, BHXH TP. Hà Nội đã phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra 28 đơn vị, thu hồi được 3,69/23,94 tỷ đồng (chiếm 15,42%) và có nhiều đơn vị chủ động trả đủ số tiền nợ, như: Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại - Dịch vụ Thăng Long (quận Long Biên) trả đủ 120,4 triệu đồng; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Kiểm định xây dựng (quận Đống Đa) 269,5 triệu đồng; Công ty TNHH Thương mại xây dựng Việt Ý (quận Cầu Giấy) nộp đủ 335,3 triệu đồng… Thanh tra chuyên ngành tại 17 đơn vị, đã thu được 3,29/7,98 tỷ đồng (chiếm 41,28%).

Nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, BHXH TP Hà Nội quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu giảm nợ đọng BHXH, BHYT và đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

100 nhà giáo tâm huyết, sáng tạo được tuyên dương

Ngày 8/11 tại Hà Nội, 100 nhà giáo, Sở GD-ĐT Hà Nội và Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động động “Mỗi thầy cô là một tấm giương đạo đức tự học và sáng tạo giai đoạn 2007 – 2017”.

Đánh giá 1 năm thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 – 2017”. Cũng tại Hội nghị này, ngành giáo dục Hà Nội đã tuyên dương và trao giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm học 2016 – 2017.

Tại lễ trao giải thưởng này, 100 thầy cô giáo tiêu biểu tận tụy, tâm huyết với nghề, nỗ lực lao động, sáng tạo, có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học được tuyên dương và khen thưởng

Phát biểu tại buổi lễ, ông Chử Xuân Dũng, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đánh giá cao kết quả sau 10 năm thực hiện cuộc vận động Mỗi thầy cô là một tấm giương đạo đức tự học và sáng tạo. Trong 10 năm qua, cuộc vận động đã thực sự mang lại sức sống ý nghĩa trong nhà trường, mang lại nhiều kết quả tích cực. GD-ĐT Thủ đô tiếp tục có nhiều bước tiến bộ, thành tích ấn tượng…

Ông Dũng cũng cho rằng, bên cạnh những thành tích đó, ngành GD-ĐT Hà Nội cũng còn những hình ảnh đáng phê phán, làm xấu đi những nét đẹp của giáo viên Thủ đô.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu

Đánh giá thành tựu kết quả ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng: Hà Nội có thế mạnh là thị trường trung và cao cấp với nhu cầu dồi dào, nguồn lực KH&CN cũng rất tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội phát triển trở thành trung tâm ứng dụng KH&CN vào không chỉ sản xuất nông nghiệp, mà còn đa dạng các ngành, lĩnh vực khác.

Thứ trưởng cho rằng, muốn phát trển được KH&CN trong nông nghiệp, vai trò của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Đây cũng là yếu tố Hà Nội cần đặc biệt quan tâm, có cơ chế chính sách hỗ trợ. Sớm có nghiên cứu quy hoạch phát triển cho các vùng sản xuất nông nghiệp, tránh trường hợp sản xuất ồ ạt, tạo mất cân bàng cung - cầu thị trường. Hà Nội cũng cần đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, huy động được tối đa nguồn vốn, tạo nguồn lực cho phát triển nông nghiệp…

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tối đa để Hà Nội có thể tham gia vào các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Mong muốn mà ông Trần Văn Tùng kỳ vọng, là Hà Nội sẽ sớm xây dựng được một trung tâm sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng KH&CN để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động này.

Hiện, TP đã xây dựng, quản lý và phát triển trên 20 nhãn hiệu tập thể như Khoai lang Đồng Thái (huyện Ba Vì), Bưởi tôm vàng (huyện Đan Phượng), Nhãn chín muộn(huyện Hoài Đức)… Sau khi xây dựng nhãn hiệu tập thể, giá trị sản xuất đã tăng vượt trội. Đơn cử như nhãn chín muộn huyện Hoài Đức cho giá trị khoảng 700 triệu đồng/ha, hay rau hữu cơ huyện Sóc Sơn cho giá trị trên 1 tỷ đồng/ha…

Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học theo quy mô trang trại: Hướng đi đúng

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) là giải pháp hữu hiệu để khắc phục những khó khăn cho ngành chăn nuôi hiện nay. Tuy nhiên, để phát triển theo hướng này, người chăn nuôi đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Thời gian qua, hàng loạt phát hiện về sai phạm trong chăn nuôi như sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh, chất vàng ô… làm người tiêu dùng (NTD) hoang mang. Để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, những người nội trợ đã có những thay đổi trong cách lựa chọn thực phẩm. Ngoài ra, cuộc sống ngày càng được nâng cao đồng nghĩa với việc NTD sẽ có yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng thực phẩm. Vì vậy, những sản phẩm như thịt sạch, thịt lợn quê, gà thả vườn, thịt nhập khẩu… gần đây được NTD quan tâm. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra chi phí cao gấp 2, 3 lần để mua thực phẩm mà họ cho là an toàn.

Trong khi nhu cầu về thực phẩm sạch của NTD tăng cao thì những người trực tiếp sản xuất lại đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Chia sẻ về những khó khăn của ngành chăn nuôi ATSH hiện nay, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Thực tế NTD nào cũng muốn lựa chọn cho gia đình mình những thực phẩm sạch. Nhưng hiện nay, giá thực phẩm chăn nuôi theo hướng ATSH đang khá cao. Một phần do chi phí sản xuất cao, đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng, một phần do chịu sức ép từ thương lái đội giá. Trong khi NTD hiện không có điều kiện để xác định sản phẩm sạch hay không sạch nên đã đánh đồng giá mua. Do đó, phát triển sản xuất trang trại theo chuỗi khép kín là giải pháp tối ưu cho ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay.

Ông Tường đưa ra dẫn chứng cụ thể về HTX chăn nuôi lợn Hoàng Long ở Tân Ước, Thanh Oai đã vượt qua cơn bão giá vừa qua. HTX Hoàng Long hiện chăn nuôi có tổng quy mô 450 lợn nái và trên 5.000 lợn thịt với dây chuyền sản xuất khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản đến phân phối sản phẩm. Hiện nay, với chuỗi sản xuất từ A - Z, sản phẩm của HTX có chất lượng cao, sạch, an toàn đã được phân phối rộng rãi trên thị trường. Nhờ quy trình chăn nuôi khép kín và đảm bảo ATTP, HTX Hoàng Long đã tránh được cơn bão giá lợn thời gian vừa qua, chăn nuôi ổn định và từng bước phát triển.
Khẳng định thêm về hiệu quả của phương pháp chăn nuôi ATSH theo chuỗi khép kín, Giám đốc HTX Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho biết “Chăn nuôi theo hướng ATSH với quy mô trang trại vừa phòng ngừa dịch bệnh, sản xuất thịt sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lại tăng giá trị sản xuất. Đây là hướng đi đúng cho ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay”.

Vân Nhi (tổng hợp)

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/ha-noi-trong-tuan-tuyen-duong-100-nha-giao-bhxh-quyet-liet-thu-hoi-no-dong-post9746.html