Hà Nội trong tuần: Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo sớm kết luận vụ bé trai bị bạo hành

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo sớm kết luận vụ bé trai bị bạo hành, sẽ thí điểm xe khách du lịch 2 tầng trước Tết Nguyên đán, lùi tiến độ đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông... là những tin đáng chú ý trong tuần.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo sớm kết luận vụ bé trai bị bạo hành

Ngày 5/12, trên địa bàn TP. Hà Nội đã phát hiện vụ việc cháu Trần Nguyên Khánh sinh năm 2008, bị bạo hành nghiêm trọng bởi bố đẻ là Trần Hoài Nam, sinh năm 1983 và mẹ kế là Phạm Thị Tú Trinh, sinh năm 1983, tạm trú tại nhà trọ tầng 3, số nhà 41 ngách 8/245 Lạc Long Quân, tổ dân phố số 2 phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngay sau khi nắm bắt thông tin, cơ quan công an phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy đã tạm giữ hình sự và thực hiện các biện pháp tố tụng đối với đối tượng vi phạm.

Đây là vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội. Xét tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngay sáng ngày 7/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng của quận Cầu Giấy khẩn trương điều tra, sớm có kết luận và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ cháu Khánh kịp thời, hiệu quả.

Cũng trong ngày 7/12, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của Thành phố sớm khởi tố điều tra vụ án bạo hành cháu Trần Nguyên Khánh và quan tâm hỗ trợ cháu Khánh một cách kịp thời.

Hiện, cháu Khánh đã về ở với mẹ đẻ và ông bà ngoại tại số 17A phố Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm.

Lại lùi tiến độ đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông

Đến thời điểm này, tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu. Đi cùng với việc tăng vốn, thì tiến độ dự án cũng ngày một… kéo dài.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Theo kế hoạch, cuối tháng 7-2017, Dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị.

Từ tháng 10-2017, Dự án Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống, thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II-2018, Dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Thế nhưng, sau một thời gian đốc thúc, dự án tưởng chừng sẽ về đích đúng hẹn, thì mới đây vào cuối tháng 11, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) đã một lần nữa gửi văn bản lên Bộ GTVT xin điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án đến gần cuối năm 2018 mới đưa vào vận hành.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách dự án nhìn nhận: “Mặc dù Ban quản lý dự án Đường sắt đã quyết liệt chỉ đạo đôn đốc Tổng thầu, tư vấn giám sát và các nhà thầu phụ tập trung nhân lực, máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông. Tuy nhiên, do vướng mắc khách quan cũng như chủ quan, đặc biệt là vướng mắc về nguồn vốn đã dẫn đến tiến độ thi công của Dự án bị chậm so với tiến độ đã được Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận”.

Theo ông Phượng, với tiến độ mới được lập thì dự án đã chậm khoảng 11 tháng mà nguyên nhân quan trọng là từ nguồn vốn giải ngân. Theo báo cáo từ Ban quản lý dự án đường sắt, kể từ đầu tháng 12-2016, công tác giải ngân của khoản vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD liên tục gặp vướng mắc.

Thứ nhất là do kế hoạch vốn nước ngoài trong năm 2016 cho Dự án bị hết, phải chờ kế hoạch vốn của năm 2017; thứ hai do việc gia hạn thời gian rút vốn (hết hạn vào 31-12-2016) của khoản vay bị kéo dài do vướng mắc về các điều khoản gia hạn; Thứ 3 chưa thể giải ngân cho hạng mục xây lắp do ưu tiên chi trả cho các hạng mục vay lại của phần thiết bị được quy định tại Văn bản số 968/VPCP của Thủ tướng Chính phủ đã giới hạn khả năng sử dụng linh hoạt nguồn vốn vay của các Hiệp định còn hiệu lực.

Trong khi đó, Hiệp định vay bổ sung 250.62 triệu USD cho Dự án mặc dù đã được ký kết từ 11-5-2017, nhưng lại chưa thể giải ngân do các bên vẫn chưa thống nhất được ý kiến pháp lý, là điều kiện để khoản vay có hiệu lực. Vì vậy công tác giải ngân cho dự án từ đầu năm đến tháng 9-2017 chỉ giải ngân cho xây lắp được khoảng 10 triệu USD. Đến nay, vướng mắc này mới cơ bản được giải quyết.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý điều hành của Tổng thầu còn hạn chế, lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm dẫn đến công tác thiết kế, thi công lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán, hoàn công… rất chậm trễ, thiếu khoa học.

Hơn nữa, có tình trạng các nhà thầu phụ thiếu niềm tin vào Tổng thầu do Tổng thầu không giải quyết một cách thấu đáo, hợp lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng thầu phụ dẫn đến không chỉ đạo được các nhà thầu phụ phối hợp thực hiện công tác thi công, lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn công.

Việc thanh toán của Tổng thầu cho các nhà thầu phụ cũng rất chậm trễ dẫn đến các nhà thầu phụ thiếu vốn thi công. Việc lựa chọn, ký kết hợp đồng thầu phụ Tổng thầu thực hiện rất chậm, đến nay vẫn còn một số hạng mục Tổng thầu vẫn chưa lựa chọn được nhà thầu phụ thi công.

Bởi những nguyên nhân trên, mới đây Tổng thầu đã tiến hành lập lại tiến độ thi công các hạng mục còn lại của Dự án với mốc thời gian hoàn thành các hạng mục chính.

Theo đó, công tác xây dựng cơ bản nhà ga dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2018; Hoàn thành đường ray cũng trong tháng này. Phần trang trí kiến trúc Depot, hệ thống thiết bị, căn chỉnh hệ thống đơn dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2018; Đến tháng 5-2018 sẽ nghiệm thu hệ thống, đào tạo thao tác thiết bị.

Dấu mốc quan trọng dự kiến là 2-9-2018 sẽ vận hành chạy thử về kỹ thuật và đến tháng 11-2018 theo dự tính của tổng thầu thì có thể đủ điều kiên để đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Tuy nhiên, tổng thầu cũng nhấn mạnh thời gian chạy thử có thể diễn ra từ 3-6 tháng và thời điểm khai thác thương mại phụ thuộc vào đơn vị tiếp nhận và quản lý vận hành khai thác. Nếu nhìn vào tiến độ trên, thì sớm nhất cuối năm 2018 mới có thể vận hành Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Trước đề xuất về tiến độ của Tổng thầu, ông Vũ Hồng Phương thay mặt Ban Quản lý dự án đường sắt đã đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa Dự án vào vận hành chạy thử vào ngày 2-9-2018 với thời gian vận hành chạy thử từ 3-6 tháng.

Hà Nội ban hành quy định quản lý hoạt động thoát nước, xử lý nước thải

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quyết định số 41/2017/QĐ-UBND ban hành Quy định về Quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn.

Theo Quyết định, nước thải các đô thị, khu, cụm công nghiệp phải được thu gom và hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung tại khu xử lý nước thải. Nước thải sau khi được xử lý phải đảm bảo yêu cầu: Chất lượng nước thải sau xử lý phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được quy định cho việc xử dụng nước vào mục đích khác nhau, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường và phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng nước thải sau xử lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; trường hợp sử dụng nước tải sau xử lý thì nước thải đó phải được phân phối đến điểm tiêu thụ theo hệ thống riêng biệt, bảo đảm không xâm nhập và ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước sạch trên cùng địa bàn, khu vực.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/12/2017 và thay thế Quyết định số 193/2005/QĐ-UBND ngày 18/11/2005 của UBND TP ban hành Quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội.

Hà Nội có 6 cửa hàng đầu tiên gắn biển nhận diện trái cây an toàn

Theo lộ trình của Đề án trái cây, quận Cầu Giấy được triển khai đầu tiên sau đó nhân rộng ra 12 quận nội thành.

Tháng 11/2017, Sở Công Thương TP. Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Cầu Giấy tổ chức thí điểm Lễ gắn biển nhận diện cho 6 cửa hàng kinh doanh trái cây đầu tiên trên địa bàn TP. đáp ứng được yêu cầu của Đề án Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành (Đề án trái cây) gồm:

Chuỗi cửa hàng của Công ty TNHH Đầu tư K.L.V.E tại 174 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa; 52 Nguyễn Chánh, phường Trung Hòa; 45 Cầu Giấy, phường Quan Hoa; 79 Trần Đăng Ninh, phường Dịch Vọng; 393 đường Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô. Và 1 cửa hàng của Công ty Cổ phần V-Food Việt Nam tại 72 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc cấp biển nhận diện các cửa hàng kinh doanh trái cây là cơ hội để các cơ sở tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, đồng thời giới thiệu tới người tiêu dùng các địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc.

Qua đó, xây dựng uy tín, niềm tin đối với người dân về chất lượng các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng tham gia Đề án trái cây. Đối với sáu cửa hàng được gắn biển nhận diện, Sở Công Thương đề nghị tiếp tục duy trì tốt các điều kiện, thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm trong kinh doanh, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa, xứng đáng là địa chỉ kinh doanh trái cây tin cậy của người tiêu dùng Thủ đô.

Theo lộ trình của Đề án trái cây, UBND các quận sẽ tiến hành rà soát các cửa hàng đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu. Hà Nội sẽ làm thí điểm tại bốn quận, sau đó nhân rộng ra 12 quận nội thành. Trong đó, quận Cầu Giấy là quận triển khai đầu tiên.

Hà Nội dự kiến thí điểm xe khách du lịch 2 tầng trước Tết Nguyên đán

UBND TP. Hà Nội vừa có thông báo số 1382/TB-UBND về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp về triển khai thí điểm tuyến xe khách du lịch 2 tầng (City tour) phục vụ phát triển du lịch Thủ đô.

Theo đó, ngày 21/11, tại trụ sở UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp tập thể lãnh đạo Hà Nội tại cuộc họp về triển khai thí điểm tuyến xe khách du lịch 2 tầng (City tour) phục vụ phát triển du lịch Thủ đô.

Sau khi nghe báo cáo của Sở GTVT, ý kiến của các đại biểu dự họp, ý kiến phát biểu của các Phó Chủ tịch UBND TP, thay mặt tập thể lãnh đạo UBND TP, Chủ tịch UBND TP kết luận: Thống nhất việc thí điểm xe khách du lịch 2 tầng (City Tour) phục vụ phát triển du lịch Thủ đô.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giao Tổng Công ty vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Sở GTVT, Công an TP và các quận, huyện có di tích lịch sử xây dựng tuyến du lịch cụ thể, khoa học, đảm bảo phục vụ khách du lịch một cách hiệu quả, tránh giờ cao điểm;

Tổng Công ty vận tải chủ trì phối hợp với Sở Du lịch, Sở TT&TT, Sở VH&TT tổ chức quảng bá, tuyên truyền và đưa các tuyến du lịch vào bản đồ số của TP;

Thời gian thí điểm trước Tết Nguyên đán (nếu chưa đủ phương tiện thì tổ chức thí điểm 1 tuyến).

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu kỹ văn hóa của Việt Nam và không gian kiến trúc khu vực phố cổ, phố cũ để thiết kế quảng cáo trên xe cho phù hợp, chỉ nên quảng cáo phục vụ du lịch.

Tạm giữ người phụ nữ buôn lậu gần 500kg pháo nổ

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa phát hiện, tạm giữ đối tượng Nguyễn Thị Nga (45 tuổi, trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) để điều tra hành vi mua bán, vận chuyển trái phép gần 500kg pháo lậu các loại.

Theo đó, vào khoảng 19h20’ ngày 7/12, Đội kinh tế thương mại - Phòng CSKT - Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ, phát hiện xe ô tô BKS 29D – 305.65 đang bốc dỡ hàng có biểu hiện nghi vấn. Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có 6 bao tải chứa 180 hộp pháo với trọng lượng 235 kg. Đấu tranh khai thác, lái xe Nguyễn Văn Hùng (27 tuổi, trú tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) khai nhận đang giao số hàng nói trên cho Nguyễn Thị Nga.

Cơ quan công an đã tạm giữ đối tượng Nga cùng số tang vật liên quan để phục vụ công tác điều tra, đồng thời thực hiện khám xét nơi ở của Nga. Tại đây, cơ quan công an đã thu giữ thêm 239kg pháo các loại do Nga cất giấu tại nhà người thân ở huyện Gia Lâm.

Tại cơ quan công an, đối tượng Nga (45 tuổi, trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã khai nhận hành vi của mình. Cách đây khoảng 2 tháng Nga mua gom pháo của một số đối tượng tại tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn mang về bán cho khách có nhu cầu chơi vào dịp Tết nguyên đán 2018.

Vân Nhi (tổng hợp)

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ha-noi-trong-tuan-chu-tich-nguyen-duc-chung-chi-dao-som-ket-luan-vu-be-trai-bi-bao-hanh-post9817.html