Hà Nội triển thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

Trong thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nội dung hoạt động và giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm, trong 9 tháng năm 2017, thời gian qua công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm ngày càng chặt chẽ, hiệu quả như: Duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh, thành lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm; thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa 3 ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương trong quản lý về an toàn thực phẩm; Sở Y tế đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất trong quản lý an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể công nghiệp.

Các ngành, các cấp phối hợp tăng cường thanh kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn. Công tác truyền thông về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, cơ quan quản lý đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng chuyên trang, chuyên mục về an toàn thực phẩm, cung cấp danh sách cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm trên website của ngành y tế để người dân biết và lựa chọn.

Công tác thanh, kiểm tra được Sở Y tế Hà Nội tiến hành thường xuyên, hiệu quả

Bên cạnh đó, toàn thành phố đã tổ chức 657 lớp phổ biến kiến thức, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 36.698 chủ cơ sở và công nhân. Từ tuyến thành phố đến các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 351 lớp tập huấn cho các thành viên Ban chỉ đạo và cán bộ làm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm với 15.704 lượt người tham dự. Tổ chức 2577 lớp tuyên truyền và nói chuyện lồng ghép an toàn thực phẩm cho 165.820 hội viên đoàn thể và người tiêu dùng. Các tài liệu truyền thông cũng đã được chuyển đến tận tay người dân.

Song song với tuyên truyền là thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường. Toàn thành phố đã thành lập 805 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

Trong 9 tháng toàn thành phố đã kiểm tra được 95.172 lượt cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó phạt cảnh cáo 533 cơ sở, phạt tiền 6948 cơ sở với số tiền phạt trên 33 tỷ đồng.

Đồng thời, thành phố cũng tích cực triển khai 4 hoạt động an toàn thực phẩm thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số, trong đó có 2 hoạt động thuộc ngành y tế là tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng ATVSTP; hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…

Tiếp tục triển khai công tác an toàn thực phẩm thức ăn đường phố và duy trì mô hình điểm thức ăn đường phố tại tuyến phố Núi Trúc (Ba Đình), phường Trung Liệt (Đống Đa). Triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại 30 tuyến phố văn minh, hưởng ứng năm "Trật tự văn minh đô thị" với các tiêu chí an toàn thực phẩm đạt trên 80%.

Cũng trong thời gian vừa qua, UBND TP đã ban hành tiêu chí chấm điểm an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp. UBND TP đã phê duyệt Đề án Quản lý an toàn thực phẩm đối với chợ dân sinh giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn thành phố (quy hoạch khu vực bán hàng thực phẩm an toàn tại chợ) nhằm đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, xây dựng chợ với hệ thống tiêu chí, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo các quy định hiện hành.

T. An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ha-noi-trien-thuc-hien-co-hieu-qua-cong-tac-dam-bao-an-toan-thuc-pham-107600.html