Hà Nội triển khai xây dựng thành phố thông minh

Xây dựng thành phố thông minh đang là mục tiêu được các đô thị ở nước ta hướng tới, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thủ đô Hà Nội đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng để trở thành thành phố thông minh, phát triển năng động, hiệu quả.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin về công tác xây dựng chính quyền điện tử. Ảnh vov.vn

Để xây dựng chính quyền điện tử, thành phố tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành; ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động điều hành nội bộ, người dân và doanh nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Cùng với đó triển khai một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh như: Trung tâm Điều hành thông minh; hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh.

Hà Nội tập trung xây dựng chính quyền điện tử, trước hết ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước. Hiện nay, thành phố đang ứng dụng CNTT trong lĩnh vực dịch vụ công khá tốt; Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế, thủ tục hành chính, y tế, giáo dục. Xây dựng trung tâm điều hành tập trung liên quan đến cấp cứu, cứu nạn cứu hộ, điều hành giao thông, an ninh, kết nối người lao động với sàn giao dịch việc làm trực tuyến với doanh nghiệp… nhằm hướng tới mục tiêu trở thành chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Ứng dụng CNTT giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: hanoi.gov.vn

Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, năm 2017 và 6 tháng năm 2018, Hà Nội đã sắp xếp các đơn vị hành chính sự nghiệp từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị, giảm 30,2%. Các ban quản lý dự án, từ 70 ban giảm còn 41 ban, giảm 41,4%. Ở cấp huyện 206 đơn vị sự nghiệp giảm còn 110 đơn vị, giảm 50,3%. Đối với tinh giản biên chế mỗi năm Hà Nội giảm 1,5% biên chế so với năm trước. Đây là kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, thành phố cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh giản bộ máy, tiếp tục hướng tới cơ cấu lại đội ngũ cán bộ của thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, hiện thành phố đang xây dựng dữ liệu công dân và đang vận hành cơ sở dữ liệu dân cư, hàng ngày có thể bấm máy biết được bao nhiêu người sinh ra và mất đi và dân số tại thời điểm đó. Những dữ liệu dân cư được áp dụng làm sao để khai thác sử dụng cho các ngành của thành phố. Thành phố sắp tới cũng xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai… những yếu tố rất cơ bản để thành phố có dữ liệu khai thác sang các lĩnh vực khác.

Rõ ràng, phát triển đô thị thông minh là một xu hướng tất yếu của các thành phố, đô thị lớn trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ đô Hà Nội đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng thành phố thông minh mà trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh phát triển mạnh mẽ, hiện đại xứng tầm với các đô thị lớn trong khu vực và thế giới.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/ha-noi-trien-khai-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-40869