Hà Nội: Trên 1.000 trường hợp vi phạm TTXD được thiết lập hồ sơ xử lý

Mới đây, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã thiết lập hồ sơ xử lý trên 1.000 trường hợp vi phạm TTXD, con số trên được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Báo cáo tổng kết công tác thanh tra năm 2018 của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trong năm 2018, các Đội Thanh tra xây dựng thuộc Sở và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 20.367 công trình, qua kiểm tra phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 1065 trường hợp có vi phạm về trật tự xây dựng (chiếm tỷ lệ 5,22%).

Trong đó, 428 trường hợp xây dựng không phép; 252 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 22 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 363 trường hợp có các vi phạm khác như xây dựng công trình trên đất công, đất nông nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đê điều, lưới điện…

UBND cấp quận, huyện, cấp phường, xã đã xử lý dứt điểm 961 trường hợp vi phạm. Trong đó, cưỡng chế phá dỡ 218 trường hợp; tự khắc phục 571 trường hợp; hòa giải, bồi thường 40 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 132 trường hợp; đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 104 trường hợp.

Năm 2018, UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 1.518 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 23,6 tỷ đồng.

Đối với 754 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng giai đoạn 2015-2017 (bao gồm 409 trường hợp tồn đọng giai đoạn 2015-2016 và 345 trường hợp vi phạm tồn đọng năm 2017).

Trong năm 2018, các cơ quan chức năng đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ 218 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. (Nguồn ảnh: TQ - Báo Thanh Tra)

Trong năm 2018, các cơ quan chức năng đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ 218 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. (Nguồn ảnh: TQ - Báo Thanh Tra)

Đến nay đã xử lý, giải quyết 673 trường hợp (gồm 364 trường hợp tồn đọng giai đoạn 2015-2016 và 309 trường hợp tồn đọng năm 2017); Đang tiếp tục xử lý, giải quyết đối với 81 trường hợp (gồm 45 trường hợp tồn đọng giai đoạn 2015-2016 và 36 trường hợp tồn đọng năm 2017).

Việc kiểm tra tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác quản lý chất thải rắn xây dựng đối với 38 dự án trên địa bàn thành phố, Thanh tra Sở xây dựng đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 235 triệu đồng.

Kết quả kiểm tra chấp hành quy định của pháp luật trong công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng tại 46 dự án, Thanh tra Sở đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 145 triệu đồng.

Kết quả xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng trước năm 2005, đến nay, các quận, huyện đã giải quyết được 274/394 trường hợp còn 120 trường hợp tiếp tục giải quyết. Số trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” mới phát sinh còn 59 trường hợp chưa được xử lý.

Trong năm 2018, Thanh tra Sở đã tổ chức thực hiện 14 cuộc thanh tra chuyên ngành; Kiểm tra hoạt động đầu tư xây dựng đối với 206 dự án. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư có vi phạm. Thanh tra Sở đã ban hành 144 Quyết định xử phạt (không phép, sai phép, sai quy hoạch, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng…) với số tiền trên 4,1 tỷ đồng và 45 Quyết định thu hồi sau thanh tra, kiểm tra; giảm trừ sau Thanh tra với số tiền gần 45,5 tỷđồng.

Tiếp nhận 1.075 đơn thư, trong đó, khiếu nại 27 đơn; tố cáo 60 đơn; kiến nghị, đề nghị, phản ánh 988 đơn. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết 604 đơn; đơn không thuộc thẩm quyền 471 đơn. Đến nay, các đơn đã cơ bản được giải quyết.

“Đáng chú ý, trong năm 2018, Sở Xây dựng đã đề nghị xem xét kỷ luật đối với 28 cán bộ, công chức vi phạm bằng các hình thức: Khiển trách (24 trường hợp), Cảnh cáo, chuyển công tác (4 trường hợp). Ngoài ra UBND cấp huyện cũng đã xem xét kỷ luật, luân chuyển nhiều cán bộ, công chức để xảy ra vi phạm trong công quản lý trật tự xây dựng đô thị”, ông Dũng cho biết.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, thường xuyên đôn đốc, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng.

Tiếp tục thực hiện các kế hoạch của UBND TP về việc khắc phục những tồn tại hạn chế, yếu kém, nâng cao kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, đồng thời nâng cao công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội; phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan sớm hoàn chỉnh “Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP”.

Thanh Hóa: Kỷ luật 13 công chức liên quan trật tự xây dựng

Thống kê của Sở Xây dựng Thanh Hóa cho thấy có 232 công trình vi phạm trật tự xây dựng ở Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. 13 công chức có liên quan bị kỷ luật.

UBND huyện Tĩnh Gia vừa có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan theo Kết luận thanh tra của Sở Xây dựng về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn.

Theo báo cáo, 7 công chức Địa chính Xây dựng - Nông nghiệp và Môi trường của các xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.Trưởng công an xã Tùng Lâm và 2 lao động hợp đồng Đội kiểm tra Quy tắc xây dựng (QTXD) bị xử lý khiển trách.

UBND huyện Tĩnh Gia đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy kiểm tra có dấu hiệu vi phạm (có hình thức kỷ luật) đối với 3 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, gồm: ông Lê Tiến Lũy, Đội phó Đội kiểm tra QTXD huyện; ông Nguyễn Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Tùng Lâm và ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Phó chủ tịch UBND xã Hải Thượng.

Biệt thự xây dựng không phép trong Khu kinh tế Nghi Sơn. (Ảnh: Quỳnh An - Nguồn Nguyễn Dương - Báo news.zing.vn)

Theo Sở Xây dựng, từ năm 2016 đến tháng 5/2018, trên địa bàn 12 xã trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) có 232 công trình do các hộ gia đình riêng lẻ đầu tư xây dựng vi phạm trật tự xây dựng.

Trong đó, 107 công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng, 10 công trình xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp, 18 công trình san lấp mặt bằng, 97 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất hành lang giao thông.

Còn theo UBND huyện Tĩnh Gia, tính đến thời điểm 11/2018, có 90 trường hợp xây dựng không có giấy phép và 24 trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng chưa bị xử lý. Thậm chí, có trường hợp đã lập biên bản vi phạm và đề nghị xử lý, nhưng sau đó, Ban quản lý KKTNS&CKCN lại đề nghị không xử lý.

Thống kê chưa đầy đủ đến cuối tháng 11/2018, có ít nhất 13 công trình do doanh nghiệp đầu tư vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, người đứng đầu địa phương vẫn chưa bị xử lý như quy định tại Chỉ thị 22 ngày 11/11/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành.

Phó Thủ tướng yêu cầu thanh tra dự án xây 3,8km đường đổi 180ha đất

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư chỉ đạo Thanh tra Bộ thanh tra việc thực hiện dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh theo hình thức BT.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra phản ánh của báo chí liên quan đến việc bàn giao 180ha đất đối ứng cho Công ty Cổ phần Khai Sơn thực hiện dự án khu đô thị Khai Sơn City và việc cấp giấy phép xây dựng 26 căn biệt thự tại dự án này.

Theo đó, xét báo cáo của UBND TP.Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Thanh tra Bộ thanh tra việc thực hiện dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và việc UBND TP.Hà Nội cấp đối ứng đất để thực hiện Dự án Khu đô thị Khai Sơn City tại quận Long Biên theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/4/2019.

(Ảnh minh họa - Nguồn bizlive.vn)

Dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) có chiều dài 3,8km, chiều rộng 40m với tổng vốn đầu tư 2.784 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty CP Khai Sơn.

Đối ứng cho dự án này, UBND TP.Hà Nội đã thanh toán cho nhà đầu tư quỹ đất có diện tích 180ha. Thời gian thực hiện trong giai đoạn năm 2013-2016. Tuy nhiên, cho đến tháng 1/2017, Công ty CP Khai Sơn mới tổ chức lễ khởi công xây dựng tuyến đường này.

Trong khi đó, tại Dự án Khu đô thị Khai Sơn City, sau khi được UBND TP.Hà Nội giao đất, Công ty CP Khai Sơn xây dựng 26 cân biệt thự không phép.

Sau phản ánh của báo chí, ngày 14/11/2017, UBND quận Long Biên đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 192/QĐ-XPVPHC đối với các công trình vi phạm của Công ty CP Khai Sơn. Mức xử phạt là 80 triệu đồng, đồng thời yêu cầu đình chỉ thi công tại dự án xây dựng Khu nhà ở thấp tầng TT1, biệt thự Khai Sơn Hill.

Tiếp đó, ngày 30/5/2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành giấy phép xây dựng số 51/GPXD đối với 26 căn biệt thự của dự án.

Liên quan đến những bất cập tại Dự án Khu đô thị Khai Sơn City, ngày 23/7/2018, Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu Hà Nội làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc xây dựng sai phép, cấp phép cho Dự án Khu đô thị Khai Sơn City, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/10/2018.

P/V Tổng hợp

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ha-noi-tren-1000-truong-hop-vi-pham-ttxd-duoc-thiet-lap-ho-so-xu-ly-post24789.html