Hà Nội tràn lan cơ sở giáo dục 'chui': Dễ dàng cấp phép, lỏng lẻo trong quản lí

Không có phép vẫn hoạt động là thực trạng không phải chỉ xảy ra trong 'bóng tối' mà được công khai tại nhiều cơ sở giáo dục tư nhân trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều cơ sở giáo dục tư thục ở Hà Nội đang hoạt động không phép hoặc thiếu tiêu chuẩn. Ảnh minh họa: HUYÊN NGUYỄN

Ấy thế nhưng, chỉ khi xảy ra lùm xùm hay có sự vào cuộc của báo chí, đoàn giám sát thì việc hoạt động không phép hay thực hiện sai quy định mới được phanh phui. Điều này dấy lên những lo ngại về công tác cấp phép và quản lí của các cơ quan chức năng TP.Hà Nội.

Tràn lan cơ sở giáo dục “chui”

Có lẽ, dư luận còn chưa hết “choáng váng” trước Clip giáo viên tại Trung tâm ngoại ngữ MST English mắng học viên với những ngôn từ thậm tệ như “đồ óc lợn”. Sau khi sự việc xảy ra, qua kiểm tra ban đầu của Sở GDĐT Hà Nội, cả 3 cơ sở đào tạo công khai của trung tâm này chưa đăng kí hoạt động đào tạo ngoại ngữ. Thế nhưng, bao lâu nay, trung tâm này vẫn công khai hoạt động mà không bị xử lí.

Không chỉ có trung tâm ngoại ngữ, thời gian qua, Báo Lao Động vào cuộc, “phanh phui” hàng loạt sai phạm của các cơ sở giáo dục tư thục từ mầm non đến THPT như vô số các trường ngoài công lập tuyển sinh sai quy định hay chưa được cấp phép, trường IVY- League vẫn công khai tuyển sinh.

Điều lạ lùng rằng, các cơ sở vi phạm đều hoạt động rất công khai, phớt lờ sự quản lý với tuyên bố “không sợ kiểm tra bởi trường nào, năm nào chả thế!”. Câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn là, đơn vị quản lí không biết hay cố tình phớt lờ sự việc?

Mới đây, tháng 4.2018, đoàn giám sát của HĐND TP.Hà Nội phát hiện có 70 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập chưa được cấp phép vẫn đang hoạt động. Ông Trần Thế Cương - Trưởng ban chuyên trách Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.Hà Nội - thông tin, đoàn giám sát đã tiến hành kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn. Rút kinh nghiệm việc kiểm tra các đơn vị do địa phương bố trí thì thường không ra sai phạm, đoàn chọn các cơ sở không qua giới thiệu của các Phòng GDĐT và đã phát hiện ra nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, có 70 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo chưa được cấp phép đã hoạt động, còn 559/2467 nhóm trẻ có số trẻ vượt quá quy định. Ông Cương nói: “Quy định chỉ 50 trẻ/nhóm/lớp tuy nhiên, thực tế có nhóm, lớp đã lên tới 300 trẻ nhưng vẫn không đủ điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên để lập trường. Hay có chủ tịch phường đi qua nhà nghe tiếng trẻ khóc, gõ cửa vào kiểm tra mới biết ở đó là cơ sở trông giữ trẻ hoạt động chui. Có cơ sở người già trông trẻ, mắt mờ, chân chậm, không có kĩ năng, chuyên môn nên đều có nguy cơ mất an toàn đối với trẻ”.

Qua kiểm tra, giám sát, đoàn cũng đã ghi nhận thực tế, nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập còn thiếu, yếu đủ đường. Ví dụ, nhiều cơ sở ở quận Hai Bà Trưng có phòng học chỉ gói gọn trong 15m2 nhưng trông giữ tới 20 cháu (trên quy định 1,5m2/cháu). Nhiều phòng học ở sâu trong ngõ ngách, không có sân chơi, đồ chơi cũ kỹ, thiếu thốn, không đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy.

“Thậm chí, có phòng học còn không có cả nhà vệ sinh. Mọi vấn đề vệ sinh của trẻ phải bằng bô. Các lớp đều cải tạo từ nhà dân nên chưa đảm bảo diện tích, tỉ lệ, phòng cháy chữa cháy, thiếu ánh sáng, bếp ăn chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” - ông Cương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một số địa phương còn chưa chủ động trong việc quản lí và xử lí nghiêm các cơ sở hoạt động trái pháp luật. Một số cán bộ quản lí còn hạn chế về nhận thức và chuyên môn, chưa chấp hành tốt các quy định của nhà nước và văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lí. Giáo viên ở các cơ sở này thay đổi thường xuyên, không có tư tưởng gắn bó lâu dài, chất lượng chưa cao, có nơi còn sử dụng giáo viên chưa qua đào tạo về cấp học mầm non. Đa số các cơ sở chưa đóng BHXH cho cán bộ, giáo viên.

Lo ngại về cấp phép và quản lí

Thực tế trên đặt ra vấn đề về công tác cấp phép, giám sát, quản lí và xử phạt các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục ngoài công lập. Quay trở lại với trường hợp Trung tâm ngoại ngữ MST English. Thực tế, cơ sở tại 234 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm của trung tâm này đã từng bị Ban kiểm tra liên ngành quận Bắc Từ Liêm phát hiện ra sai phạm vào tháng 2.2018.

Đoàn kiểm tra của quận đã lập biên bản, yêu cầu trung tâm dừng hoạt động khi không xuất trình được giấy chứng nhận hoạt động do Sở GDĐT cấp, yêu cầu tiến hành đăng kí theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị không chấp hành yêu cầu của Ban kiểm tra liên ngành quận Bắc Từ Liêm, vẫn ngang nghiên hoạt động mà không bị xử lí.

Tham gia kiểm tra khối cơ sở mầm non, bà Hoàng Thị Tú Anh - Phó trưởng Ban chuyên trách Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.Hà Nội - nhấn mạnh: “70 cơ sở mầm non chưa được cấp phép vẫn hoạt động, tôi nghĩ đây là con số được phát hiện, trên thực tế phải hơn như vậy. Bởi, có đơn vị qua giám sát thì có 8 cơ sở nhóm/lớp nhưng mới chỉ cấp phép 2 đơn vị, còn lại chưa đủ điều kiện. Tôi tin là 6 cơ sở đó vẫn hoạt động”.

Còn bà Lê Thu Hằng - Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan TP. Hà Nội - lo ngại: Theo phân cấp, phân quyền, việc cấp phép thành lập và quản lí các cơ sở nhóm, lớp tư thục lại thuộc trách nhiệm của xã, phường, đối với các trường thuộc Phòng GDĐT quận/huyện. Việc này đang được thực hiện một cách khá dễ dàng.

Bên cạnh việc cấp phép đặt vấn đề về kiểm tra giám sát, vai trò giám sát của Sở GDĐT đến đâu và việc Sở GDĐT nắm được hay không?. “Ví dụ, xã Kim Chung, huyện Đông Anh do có khu công nghiệp nên phát sinh rất nhiều nhóm, lớp trông giữ trẻ. Tuy nhiên, về chuyên môn lại giao trách nhiệm cho lãnh đạo các trường mầm non công lập trên địa bàn. Trong khi những người này chịu trách nhiệm trường họ thôi đã rất mệt rồi.

Ngoài ra, chẳng có quy định nếu xảy ra thì lãnh đạo các trường công lập đấy chịu trách nhiệm như thế nào. Thực tế, đây là giao trách nhiệm cho nhiều người nhưng cuối cùng trách nhiệm chẳng thuộc về ai. Đây là vấn đề đáng lo ngại trong công tác quản lí. Nếu như tiếp tục cấp phép dễ dàng như thế này, cộng thêm quản lí lỏng lẻo như hiện nay thì không biết chất lượng” - bà Hằng bày tỏ.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/ha-noi-tran-lan-co-so-giao-duc-chui-de-dang-cap-phep-long-leo-trong-quan-li-605883.ldo