Hà Nội: Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm đạt trên 376 nghìn tỷ đồng
Chiều 3/10, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024. Theo đó, 9 tháng đầu năm, Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về hầu hết các lĩnh vực, trong đó tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% theo dự toán.
Xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 của Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ; đảm bảo cân đối chi ngân sách. Cụ thể tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư xã hội quý III/2024 đạt 143.928 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm đạt 351.849 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9%). Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 5.611 nghìn tỷ đồng, tăng 5,16%; tổng dư nợ đạt 4.072 nghìn tỷ đồng, tăng 12,59%.
Kim ngạch xuất khẩu quý III đạt 5.611 triệu USD, tăng 28,8%; 9 tháng đầu năm đạt 14.447 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,2%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 10.918 triệu USD, tăng 10,9%; 9 tháng đầu năm đạt 30.465 triệu USD, tăng 13% (cùng kỳ giảm 12,6%), Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ và mục tiêu cả năm, CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,97% (cùng kỳ tăng 1,21%); 9 tháng đầu năm tăng 4,88% (cùng kỳ tăng 1,22%).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài đạt khá. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Thành phố thu hút 1.540,4 triệu USD vốn FDI, trong đó có 197 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.111,5 triệu USD; 143 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 220,7 triệu USD và 178 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 208,1 triệu USD.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, có 21.840 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 198.986 tỷ đồng. Lũy kế, tổng số doanh nghiệp đăng ký đến nay là 397.008 doanh nghiệp.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội, 9 tháng đầu năm, du lịch duy trì tăng trưởng khá: Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) đạt 4,581 triệu lượt.
Trong đó, khách quốc tế 3,156 triệu lượt; khách nội địa 1,405 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 62,6%.
Ngày 9/9, Hà Nội đón nhận 3 giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31.
Ngoài ra, Thành phố Hà Nội đẩy mạnh, chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Tiêu biểu là UBND Thành phố phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ khai mạc chương trình “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh” với chủ đề “Dấu son Hà Nội”. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra sôi nổi trên địa bàn; các di tích thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến thăm quan.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, kinh tế Thủ đô phục hồi rõ nét, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, du lịch, tiêu dùng đang có những bứt phá, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên còn những trở ngại, thách thức như: Giá cả tăng cao; doanh nghiệp còn khó khăn; tai nạn giao thông và cháy, nổ phức tạp; ảnh hưởng của bão số 3… vẫn là những khó khăn nội tại ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Trong quý IV/2024, Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và kế hoạch trung hạn 2021-2025. Triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số; mở rộng hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng kết nối các ngành, lĩnh vực. Chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh lưu thông các sản phẩm hàng hóa của Hà Nội, nhất là sản phẩm OCOP. Hoàn thành Chương trình chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủ đô 2024; phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành Trung ương tham mưu các nghị định, nghị quyết, quyết định triển khai thực hiện để Luật sớm đi vào cuộc sống. Thực hiện công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng kế hoạch thực hiện 02 quy hoạch ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục triển khai đầu tư các dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung). Ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2025 và điều chỉnh Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; Hoàn thiện Đề án nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ tái định cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Kiểm tra tiến độ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Dự án cấp nước sạch. Hoàn thành xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.
Triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), trong đó tập trung chuỗi các hoạt động cao điểm vào dịp 10/10: Lễ kỷ niệm cấp quốc gia chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô; Tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”; Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Thành phố Hòa bình - Thành phố Rồng bay; Đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội; Triển khai xây sửa nhà hộ nghèo, cận nghèo thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 của Thành phố Hà Nội; Xây dựng Bộ chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại Thành phố và các đơn vị sự nghiệp công lâp trực thuộc UBND Thành phố.
Đảm bảo quốc phòng, an ninh; Tổ chức hiệu quả các hoạt động Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; Tăng cường công tác trật tự an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ và các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; Duy trì tốt công tác đối ngoại.
Chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố khóa 18 nhiệm kỳ 2025-2030; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Kế hoạch tài chính, ngân sách năm 2025 và 3 năm 2025-2027; Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và 5 năm 2026-2030.