Hà Nội tổ chức kết nối cung cầu, tìm đầu ra bền vững cho nông sản

Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản phẩm an toàn, từng bước hình thành chợ đấu giá, phân phối hàng hóa nông sản tại Hà Nội, nhằm tạo đầu ra bền vững cho nông sản.

Lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác về khai thác, tiêu thụ sản phẩm nông sản, khai thác vùng nguyên liệu giữa các DN phân phối với 22 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội

Đó là khẳng định của lãnh đạo thành phố Hà Nội tại Hội nghị kết nối cung – cầu nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững của thành phố Hà Nội năm 2018 diễn ra sáng ngày 19/4/2018.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến nay trên địa bàn TP có 1.868 trang trại,; có 907 HTX nông nghiệp, trong đó có 863 HTX dịch vụ nông nghiệp…

Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi theo Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, Chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, Đề án phát triển chăn nuôi, Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản…

Đáng chú ý Hà Nội đã được hình thành và phát triển các vùng sản xuất chất lượng, tập trung: 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, hình thành 76 xã chăn nuôi trọng điểm và khoảng 4.000 trại quy mô hớn ngoài khu dân cư, 26 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, với 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Hà Nội cũng đã xây dựng được 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, có chuỗi đươc xây dựng.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm kết nối, tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm. Hàng năm Sở Công Thương đều đưa một số doanh nghiệp phân phối xuống trực tiếp một số vùng sản xuất của các huyện để hướng dẫn cho các HTX, hộ nông dân... cách bảo quản, thu mua, sơ chế, đóng gói, dán tem, nhãn mác, đáp ứng yêu cầu của kênh phân phối hiện đại.

Với sự vào cuộc tích cực của Sở Công Thương, một số nông sản đã vào được các kênh phân phối hiện đại như: thịt lợn của vùng sản xuất Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai,, Mê Linh, Chương Mỹ... được tiêu thụ qua Công ty cổ phần CNTP Vinh Anh, Công ty CP thực phẩm Nam Hà. Sản phẩm từ gia cầm, trứng gia cầm của vùng sản xuất huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn được các Công ty Minh Hiền, Tiên Viên, Ba Huân... tiêu thụ, chế biến. Sản phẩm rau, củ của vùng trồng rau an toàn Vân Nội- huyện Đông Anh; Thanh Đa- Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm…; quả các loại như cam Canh, bưởi Diễn, ổi Đông Dư, chuối, nhãn chín muộn Hoài Đức, Phúc Thọ, Gia Lâm…) đã được liên kết, đưa vào các siêu thị, chuỗi thực phẩm của các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị lớn của thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc kết nối tiêu thụ nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn do quy hoạch vùng sản xuất vẫn còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, đặc biệt là trong trồng trọt chưa giải quyết được vấn đề tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp tham gia vào đầu tư và sản xuất nông nghiệp; Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm; đầu ra sản phẩm nông nghiệp còn thiếu tính bền vững.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và HTX đã nêu ra những khó khăn, hạn chế trong việc kết nối hàng hóa và đưa ra những kiến nghị với thành phố trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Để có thể hình thành chuỗi sản xuất an toàn, giúp tiêu thụ nông sản bền vững, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng giả về các sản phẩm đầu vào vật tư của nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn Thành phố, tạo địa điểm cố định giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững. Thành phố sẽ ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Thành phố cho dự án, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản phẩm an toàn, từng bước hình thành chợ đấu giá, phân phối hàng hóa nông sản tại Hà Nội.

Tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác về khai thác, tiêu thụ sản phẩm nông sản, khai thác vùng nguyên liệu giữa các DN phân phối với 22 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, tạo địa điểm cố định giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững

Lê Kim Liên

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/ha-noi-to-chuc-ket-noi-cung-cau-tim-dau-ra-ben-vung-cho-nong-san.html