Hà Nội tổ chức giao thương kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trên cả nước

Ngày 25-11, UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương phối hợp, chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội, Sở Công Thương phối hợp Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số-Bộ Công Thương; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ chức 'Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP năm 2020'.

Với chủ đề “Thương mại đa kênh-liên kết theo chuỗi giá trị, hướng tới phát triển bền vững”, hội nghị có sự tham dự của nhiều đại biểu Bộ, ngành Trung ương: đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam.Đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND UBND TP, các Sở, ban ngành, UBND các quận/huyện, Thị xã... Lãnh đạo UBND, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến, Chi Cục Quản lý chất lượng, các Hiệp hội; doanh nghiệp, Hợp tác xã, đơn vị phân phối, sàn thương mại điện tử chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, bếp ăn tập thể...

Hội nghị đã thu hút gần 60 tỉnh/TP tham dự với hơn 400 doanh nghiệp sản xuất và hơn 100 đơn vị phân phối tham dự

Hội nghị đã thu hút gần 60 tỉnh/TP tham dự với hơn 400 doanh nghiệp sản xuất và hơn 100 đơn vị phân phối tham dự

Với hơn 10 triệu người dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn cùng một số lượng lớn người dân thường xuyên đến học tập, làm việc thời vụ, Hà Nội đã, đang và sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước (gồm 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 455 chợ, gần 1.000 hệ thống cửa hàng tiện lợi, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm...) có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Trong khi đó, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn TP chưa đủ để phục vụ nhân dân: gạo đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; thịt bò đáp ứng 15%;

Thủy hải sản đáp ứng 5%; thực phẩm chế biến đáp ứng 25%; rau củ đáp ứng 65%; hoa quả đáp ứng 35%..., thịt lợn, thịt gà cơ bản đáp ứng đủ trong điều kiện bình thường nhưng vẫn phải khai thác thêm từ các tỉnh. Trong những tháng tết, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân trong sẽ trở lên sôi động, tăng từ 3%- 20% theo từng nhóm hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, chất lượng ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân TP ngày càng khắt khe, yêu cầu cao hơn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho thị trường Hà Nội, phát huy vai trò đầu mối phối phối sản phẩm trong nước và xuất khẩu, triển khai hiệu quả, toàn diện các chương trình hợp tác, liên kết thành phố Hà Nội đã ký kết với 44/63 tỉnh, TP trên cả nước, các chương trình hợp tác về xúc tiến thương mại, công nghiệp, nông nghiệp được triển khai đồng bộ, đổi mới, hiệu quả qua từng năm, TP đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu với trên 50 tỉnh, TP trong cả nước thời gian qua.

Những tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước và toàn cầu chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid- 19, đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, thương mại, du lịch bị đình trệ do tác động của dịch bệnh, các quốc gia thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như hạn chế đi lại, đóng cửa thị trường... , đã gây ra sự gián đoạn chuỗi thương mại toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng giảm khiến hoạt động xuất khẩu của nhiều sản phẩm nông sản, hàng hóa trong nước bị đình trệ, nguy cơ dư cung cao.

Xác định thị trường nội địa là cứu cánh cho nền kinh tế , TP đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Kết quả trong năm 2020: TP Hà Nội phối hợp, hỗ trợ với các tỉnh, thành phố tổ chức trên 20 hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội; đến nay phát triển được 786 chuỗi cung ứng nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố cung cấp cho thị trường Hà Nội;

Đã có trên 400 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ; thường xuyên cung cấp danh sách các nhà sản xuất của các tỉnh cho các nhà kinh doanh - phân phối trên địa bàn thành phố để hỗ trợ kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất với phân phối, đặc biệt sản phẩm trái cây, nông sản mùa vụ khó khăn trong việc tiêu thụ do ảnh hưởng dịch Covid- 19; hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, TP quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Trang thông tin nông sản an toàn TP Hà Nội;

Tại các điểm bán OCOP trên địa bàn TP, tại các sự kiện do TP Hà Nội tổ chức như: Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam, Hội chợ Quà tặng hàng Thủ công mỹ nghệ; Hội chợ hàng Việt Nam; Hội chợ xúc tiến thương mại sản nông nghiệp, sản phẩm OCOP, tuần hàng nông sản các tỉnh tại hệ thống siêu thị trên địa bàn TP; các chương trình kích cầu của TP Hà Nội…; kết nối, tiêu thụ trên 10.000 tấn nông sản thực phẩm, thủy sản của các địa phương dư cung do ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ và xuất khẩu...

Trong năm 2020, các tỉnh về TP Hà Nội giao thương nhiều hơn, đặc biệt là sự góp mặt của các tỉnh phía Nam như Đồng Tháp, Sóc Trăng..., đưa nhiều sản phẩm mới về thị trường Hà Nội; các sự kiện được các tỉnh, TP tổ chức theo chuỗi với nhiều nội dung, hình thức phù hợp để quảng bá, kết nối hàng hóa tại thị trường Hà Nội.

Đồng hành cùng các cơ quan của TP, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn Hà Nội (Central Group, MM Mega Market, BRG, Aeon...) đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ quảng bá, kết nối sản phẩm các địa phương vào hệ thống phân phối của đơn vị bằng nhiều hình thức như: Chiết khấu 0% cho các hộ nông dân; tổ chức các tuần hàng OCOP, chợ phiên nông sản tại kênh phân phối; tổ chức kết nối giữa bộ phận thu mua với doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh, thành phố để xúc tiến, đưa hàng vào hệ thống.

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; hỗ trợ trợ doanh nghiệp các địa phương có nhiều cơ hội hợp tác, giao thương để phát triển sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, đáp ứng được nhu cầu còn thiếu về nguồn cung và góp phần bình ổn thị trường Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Tại hội nghị sẽ diễn ra chương trình kết nối đưa các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đặc sản, nông sản an toàn thực phẩm vào kênh phân phối của TP Hà Nội (kết nối trước, trong và sau hội nghị thông qua kết nối trực tiếp và thương mại điện tử); Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản; Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; Doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác về khai thác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố; doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối...

Bên cạnh đó, nhằm hiện thực hóa các giải pháp, thể hiện quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các doanh nghiệp, trong khuôn khổ Hội nghị: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội ký hợp tác với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số-Bộ Công Thương hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp đưa nông sản, thực phẩm, đặc sản vùng miền qua hệ thống TMĐT; kết nối trang nông sản an toàn Hà Nội với “Gian hàng quốc gia” trên sàn thương mại điện tử;

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công Thương trao đổi hợp đồng hợp tác về việc xây dựng “Gian hàng quốc gia” trên các sàn Thương mại điện tử Sendo, Voso và Tiki.; Sở Công Thương Hà Nội ký hợp tác với 28 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố liên kết, tạo kênh cung ứng-tiêu thụ sản phẩm 2 chiều bền vững giữa thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-to-chuc-giao-thuong-ket-noi-cung-cau-hang-hoa-voi-cac-tinh-thanh-tren-ca-nuoc-218568.html