Hà Nội tính làm metro 65.000 tỷ: Thận trọng, không vội

Hà Nội đang thực hiện nhiều tuyến metro và tuyến nào cũng dang dở, kéo dài thời gian, đội vốn, chưa thể hoàn thành, rất lãng phí.

UBND TP Hà Nội đã trình Chính phủ thẩm định về đề xuất chi hơn 65.000 tỷ đồng để xây dựng tuyến metro số 5 từ Văn Cao đến Hòa Lạc.

PGS.TS Nguyễn Đình Thám (Khoa Công trình, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) lo ngại nếu Hà Nội triển khai tuyến metro số 5 ở thời điểm này cũng sẽ rơi vào tình trạng dang dở, đội vốn.

Công trình tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: VnE

Công trình tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: VnE

Vị chuyên gia khẳng định, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông là cần, tuy nhiên, việc cân đối nguồn vốn, tiến hành triển khai thế nào mới là vấn đề quyết định tính hiệu quả của dự án.

Ông cho biết, Hà Nội đang thực hiện nhiều tuyến metro và tuyến nào cũng dang dở, kéo dài thời gian, đội vốn, chưa thể hoàn thành, rất lãng phí.

Cụ thể, trong suốt 10 năm qua, Hà Nội thi công hai tuyến đường sắt gồm tuyến số 2 (từ 2A Cát Linh đến Hà Đông) và tuyến số 3 (từ Nhổn đến ga Hà Nội) đội vốn nhiều lần vẫn chưa thể hoàn thiện. Trong khi đó, tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh) dự kiến khởi công từ năm 2007, nhưng đến nay sau 15 năm chưa thể khởi công, đội vốn tới 9 lần.

"Đầu tư phải dứt điểm, đúng tiến độ, rót tiền là phải có hiệu quả ngay, nếu cứ như tuyến metro Hà Đông-Cát Linh, vốn cứ chôn vào đó bao nhiêu năm không thể hoàn thành thì không nên", PGS Nguyễn Đình Thám nêu.

Về điểm này, vị chuyên gia kiến nghị Hà Nội thay vì triển khai dự án mới nên tập trung chỉ đạo quyết liệt hoàn thành nhanh các dự án đang dang dở, chấm dứt những chuỗi ngày kéo dài tiến độ, đội vốn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế, đời sống, đi lại... của người dân.

Tiếp theo, ông lưu ý, do các dự án đều chưa hoàn thành và chưa có dự án nào được đưa vào khai thác, vì thế, rất khó đánh giá được tính hiệu quả của dự án so với nguồn vốn đã đầu tư.

"Cần chờ đợi có những đánh giá cụ thể, khoa học từ các dự án này mang lại, rồi hãy tính tới việc triển khai thêm các dự án mới. Hà Nội không nên vội", vị chuyên gia nói rõ.

Một vấn đề nữa, ông muốn đề cập tới nữa là công nghệ của các tuyến metro này cũng gây nhiều tranh cãi. Điển hình tại tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, dự án đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước rồi tới Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt vấn đề.

Cụ thể, dự án đã được cảnh báo không hiệu quả kinh tế từ 11 năm trước nhưng các bên liên quan vẫn ngó lơ để dẫn tới tuyến đường sắt đô thị nghìn tỉ dở dang, ngổn ngang như hiện nay.

Hơn nữa, việc thực hiện dự án trên cao cũng được cho là không phù hợp với điều kiện, khí hậu, gây tốn kém, không phát huy hết được hiệu quả của dự án.

Đơn vị này sau đó đã đề xuất làm ngầm dự án theo Pháp và Nhật, tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư khi đó chọn làm theo đường sắt đô thị trên cao như Đức, Ý đã xây dựng cả 100 năm, Trung Quốc mới nhưng cũng hàng chục năm, dẫn tới tình trạng dự án chưa đưa vào hoạt động đã không còn phù hợp với điều kiện hiện nay.

"Những vấn đề liên quan tới công nghệ cũ, nhân lực quá nhiều, chi phí vận hành cao... cũng là vấn đề phải cân nhắc, tính toán lại. Cần chờ đợi đúc rút kinh nghiệm cũng như khắc phục được những hạn chế trước rồi hãy triển khai. Khi chưa có kinh nghiệm đã đồng loạt triển khai chẳng khác nào Hà Nội tự làm khó mhnh", PGS Nguyễn Đình Thám nói.

Được biết, tuyến đường sắt số 5 dài 39 km với 21 nhà ga trong đó có 15 ga nổi (14 ga nổi trên mặt đất, 1 ga trên cao) và 6 ga ngầm. Lộ trình của tuyến đường sẽ khởi hành từ Văn Cao đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long. Từ nút giao Hòa Lạc đến cuối tuyến metro số 5 tại thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), tuyến đường sắt sẽ nằm trên dải phân cách giữa của cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.

Dự kiến, khi đưa vào vận hành toàn tuyến sẽ đáp ứng tối đa khoảng 40 đoàn tàu với 4 đến 6 toa mỗi ngày với vận tốc tối đa là 120km và thời gian giữa các lượt tàu tại các điểm đón là 3,3 phút.

Phía Hà Nội cũng cho biết, dự án đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011. Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, từ lúc lập quy hoạch đến nay đã hơn 4 năm và mục tiêu giai đoạn 2016 đến 2020 không còn khả thi, nên đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021 đến 2025 là phù hợp.

Nguyễn Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-tinh-lam-metro-65000-ty-than-trong-khong-voi-3419482/