Hà Nội tìm phương án thúc đẩy đầu tư và phát triển nông nghiệp

Chiều 8/7, Ban lãnh đạo thành phố Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp.

 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Hải.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Hải.

Tìm giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, trong quá tình phát triển của Hà Nội, bên cạnh sự nỗ lực của thành phố có sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Trung ương, trong đó có các bộ, ngành. Đối với Bộ NN-PTNT, trước đây và hiện nay đều có quan hệ mật thiết với Hà Nội.

Theo Bí thư Thành ủy, mặc dù là Thủ đô, nhưng nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với Hà Nội. Toàn TP có 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp và có 383/579 xã, phường, thị trấn. Diện tích đất toàn TP là 335,9 nghìn héc ta, trong đó đất nông nghiệp trên 195,8 nghìn héc ta (chiếm 58,3%).

Dân số khoảng 8,09 triệu người, trong đó dân số khu vực nông thôn trên 4,1 triệu người (chiếm khoảng 50%); lao động khu vực nông thôn 2,2 triệu người (chiếm trên 40,2% lực lượng lao động của TP).

Riêng trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp của TP tăng trưởng 2,5%. Hà Nội cũng có số xã đạt chuẩn NTM cao nhất cả nước và cuối năm nay dự kiến đạt 368-371 xã (chiếm 96% số xã). Thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn cũng đạt khoảng 55 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Thủ đô Hà Nội vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Cùng với đó, trong nội tại ngành nông nghiệp cũng còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng nêu rõ nhiệm vụ rất quan trọng đang được TP tập trung là rà soát để điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Thủ đô. Đồng thời, phủ kín các quy hoạch 2 bên sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đuống,...

Hà Nội đi đầu trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Báo cáo về kết quả phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trình bày cho thấy, triển khai các nội dung tại Thông báo số 165 TB/BNN-UBND ngày 15/3/2017, thời gian qua, hai bên đã có những quan tâm, chỉ đạo, phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, kế hoạch liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn TP.

Giai đoạn 2019-2020, Thành phố đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp với mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, an toàn thực phẩm, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế về thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Đồng thời, triển khai các giải pháp để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Phát triển "tam nông" là chương trình trọng tâm của thành phố

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, 3 năm qua chương trình hợp tác giữa hai bên đã đem lại nhiều kết quả tích cực.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu trước buổi họp. Ảnh: Thanh Hải.

Vừa qua, TP đã họp để tổ chức chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển "tam nông". Kết quả của Chương trình số 02-CTr/TU đem lại là đời sống của người dân được cải thiện, nhân dân phấn khởi.

Bà cũng cho rằng, chương trình hợp tác là nền tảng để TP tiếp tục thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ở giai đoạn tiếp theo 2020 - 2025, hướng đến 2030, tầm nhìn 2045. Thời gian tới, TP đề nghị Viện Quy hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo.

Sớm gỡ vướng quy học phòng chống lũ

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chúc mừng kết quả khá toàn diện của Hà Nội đã đạt được trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu trước buổi họp. Ảnh: Thanh Hải.

Theo đó, TP Hà Nội nhìn ra vai trò quan trọng của "tam nông", đã xây dựng, ban hành Chương trình số 02 về vấn đề này, chỉ sau Chương trình về xây dựng Đảng. Qua hai nhiệm kỳ phát triển, kiểm lại tất cả các nội dung lớn của Hà Nội đều vượt như: Thu nhập của người dân, tổng số xã đạt NTM, tỷ lệ giảm nghèo…

Giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Hà Nội cần nỗ lực để hoàn thành hai sứ mệnh: Sứ mệnh cho mình (đáp ứng nhu yếu phẩm cho 10 triệu dân đảm bảo ngon nhất, an toàn nhất) và sứ mệnh trung tâm (địa thế, nguồn nhân lực).

Liên quan đến một số đề xuất của Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ phối hợp cùng TP tập trung thành lập tổ công tác để sớm tháo gỡ.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Bí thư Thành ủy cho biết, tới đây Hà Nội sẽ tiếp tục Chương trình số 02-CTr/TU ở giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa, tập trung quy mô lớn.

Để đạt mục tiêu này, đối với những vướng mắc, TP sẽ tập trung tháo gỡ với những nhóm giải pháp:

- Tiếp tục tìm cách làm tăng giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp thông qua chế biến, lưu thông;

- Tổ chức liên kết, hợp tác, phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành trên cả nước;

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất nông nghiệp; thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Hoàng Nam

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ha-noi-tim-phuong-an-thuc-day-dau-tu-va-phat-trien-nong-nghiep-d268053.html