Hà Nội tìm lại hình ảnh của chính mình

Hà Nội đang không ngừng phát triển để bắt kịp xu hướng thời đại. Nhưng cũng chính lúc này, người ta mới ngỡ ngàng nhận ra Hà Nội khác xưa nhiều quá. Câu hỏi khiến các nhà nghiên cứu văn hóa trăn trở nhất chính là: 'Bản sắc đô thị là gì?'.

Phố cổ Hà Nội những năm 1950

Cần một chiến lược trọn vẹn

Quy luật của cuộc sống là không ngừng thay đổi, nếp làm ăn, buôn bán nơi phố cổ cũng đã khác xưa rất nhiều. Ngày nay, phố cổ vẫn hiện diện ở đó nhưng dường như không còn hồn cốt xưa. Phố cổ của giờ đây chất lên mình đủ mọi loại vật liệu mới, cơi nới trước – sau, nhếch nhác và sập sệ. Những con người sống trong đó chen chúc trong không gian thiếu khí trời và ánh sáng. Họ nặng gánh mưu sinh, bám trụ từng

centimet để tồn tại. Góp phần vào không khí hoạt động của khu phố cổ trong hơn thập kỷ nay là sự qua lại tấp nập của dòng người du lịch đến từ các nước Âu, Á và từ các địa phương khác trong nước. Du lịch phát triển là nhân tố tích cực thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, văn hóa ở nơi đây. Do vậy, một số nhà ở trong khu phố cổ được cải tạo thành khách sạn mini; thành các quán ăn đặc sản; các cửa hàng ở tầng 1 được trang trí nội thất khang trang hấp dẫn.

Hà Nội không ngừng thu nạp vào mình hơi thở của thời đại, trong đó có cả những kiến trúc lạ mắt của thế giới, đó cũng là lúc Hà Nội đánh mất hình ảnh của chính mình. Những hạ tầng ngổn ngang, những công trình tự phát lổn nhổn như một vết loét cứ ngày một rộng ra, có lúc tưởng như không thể cứu vãn.

Giờ đây, việc phục dựng phố cổ không chỉ là sứ mệnh của các nhà làm văn hóa, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Hà Nội. Hiện tại, công việc phục dựng phố cổ vẫn đang được thực hiện. Là một trong những niềm tự hào của người Thủ đô, khu phố cổ Hà Nội rộng 105ha với 79 tuyến phố, 83 ô phố thuộc 10 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, được chia theo khu vực bảo tồn cấp 1 và khu vực bảo tồn cấp 2. Nơi đây lưu giữ nhiều dấu tích của kinh thành Thăng Long thông qua nếp sống thị dân, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và đặc biệt là kiến trúc đô thị với vẻ đẹp độc đáo được lưu giữ qua nhiều thế kỷ.

Xác định bảo tồn nét đẹp phố cổ chính là bảo tồn văn hóa Thăng Long, thúc đẩy phát triển du lịch một cách bền vững, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng Đề án cải tạo, chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố cổ, giao Ban Quản lý phố cổ Hà Nội triển khai thí điểm tại 2 tuyến phố Lãn Ông và Tạ Hiện, làm cơ sở đề xuất thành phố cho phép triển khai trên diện rộng. Thực tế cho thấy, sau cải tạo, chỉnh trang, các tuyến phố cổ đã trở nên sạch đẹp, gọn gàng hơn rất nhiều, qua đó góp phần tôn vinh giá trị di sản kiến trúc, cải thiện điều kiện sống cho người dân cũng như tăng sức hút cho điểm đến du lịch phố cổ.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa, bên cạnh việc cải tạo mặt tiền các công trình, quận Hoàn Kiếm cần thực hiện tốt Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ Hà Nội, vận động người dân hợp tác, hỗ trợ trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị. Theo giới chuyên gia, bên cạnh việc bảo tồn các ngôi nhà ống có giá trị còn sót lại trong khu phố cổ, cơ quan có thẩm quyền cần lên các kịch bản phát triển trung hạn và dài hạn cho những ngôi nhà kiểu “tên lửa”, cải tạo và chỉnh trang như thế nào cho phù hợp.

Mô hình thiết kế đô thị “thấp tầng nhưng mật độ cao” được kiến nghị bởi Ban Quản lý khu phố cổ được xem như một giải pháp quan trọng và đúng đắn cần nghĩ tới trước tiên. Bên cạnh việc ấn định rõ ràng chiều cao được phép xây dựng và số lượng khoảng sân trong cần thiết để đảm bảo chất lượng chiếu sáng và thông gió tự nhiên, nên có các đề xuất và kiến nghị chi tiết cho việc tổ chức mặt đứng nhà. Nếu chỉ căn cứ vào việc bố trí các không gian nội thất thì chiến lược này sẽ không trọn vẹn.

Việc không dễ

 Gần đây, dự án phục dựng phố cổ Hà Nội đã rục rịch trở lại. Theo đó, các tuyến phố trong khu vực quận Hoàn Kiếm sẽ được cải tạo, chỉnh trang nhưng vẫn đảm bảo những giá trị kiến trúc đặc trưng. Ảnh: cengroup

Gần đây, dự án phục dựng phố cổ Hà Nội đã rục rịch trở lại. Theo đó, các tuyến phố trong khu vực quận Hoàn Kiếm sẽ được cải tạo, chỉnh trang nhưng vẫn đảm bảo những giá trị kiến trúc đặc trưng. Ảnh: cengroup

Trở lại câu hỏi khiến nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trăn trở: “Bản sắc đô thị là gì?”, có lẽ chúng ta cần tìm lại những ghi chép, những tấm ảnh đen trắng mới có thể hình dung được phần nào về Hà Nội xưa. Theo giới chuyên gia, kiến trúc xây dựng của những ngôi nhà cổ trong 36 phố phường là dân gian truyền thống có nhiều ưu điểm và cũng có những nhược điểm. Nó chính là những ngôi nhà 3 gian, 5 gian ở quê nhưng đầu hồi lại là mặt tiền. Nhà thấp tiết kiệm được nguyên liệu, có thể tránh gió bão nhưng nóng bức vào mùa hè dù có lợp bằng ngói âm dương.

Thời nhà Nguyễn, phố cổ cơ bản khá giống nhau về cấu trúc, gian ngoài bán hàng, gian trong phòng khách, tiếp đó là khoảng trống để trồng cây và bắt buộc phải có chum nước phòng hỏa, tiếp theo là phòng ngủ và bên trong có một khoảng sân rồi mới đến bếp và nhà vệ sinh. Cấu trúc này cũng đảm bảo được phong thủy cho một ngôi nhà dù diện tích chật hẹp. Chum nước để phòng hỏa nhưng cũng là để tụ khí. Chiều cao ngôi nhà, cánh cửa cũng phải theo những qui tắc để ngăn tà khí xâm nhập vào bên trong.

Kể từ 1986 đến nay, với đường lối chính sách mới từ nền kinh tế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước; mở rộng giao lưu kinh tế và quan hệ với quốc tế; khích lệ mọi tầng lớp nhân dân xây dựng mở mang phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, buôn bán ở khu phố cổ dần dần được phục hồi, phát triển và lại sầm uất hơn xưa. Các mặt tiền nhà được cải tạo đổi mới. Nhiều nhà xuống cấp, bị hỏng đã được xây dựng lại với nhiều loại kiểu cách, có cái phù hợp với tinh thần của khu phố cổ; có cái theo phong cách hiện đại, thể loại này xem ra có vẻ lạc lõng, đứng nhầm chỗ ở khu phố cổ.

Không dễ để phục dựng Hà Nội xưa một cách nguyên vẹn. Nhưng có thể coi bản sắc đô thị là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, từ quy hoạch, kiến trúc, thiên nhiên đến phong tục tập quán và lối sống của người dân. Nói cách khác, bản sắc của một đô thị chính là sự pha trộn hài hòa các yếu tố đó và tỷ lệ như thế nào là do nhà quản lý.

Hiện nay, khu phố cổ từ tầng 2 trở lên và nhất là các nếp nhà phía bên trong các cửa hàng đa số là xuống cấp, ô nhiễm môi trường, đe dọa tới an toàn cuộc sống của dân cư. Trong bối cảnh của sự hiện đại hóa đô thị ngày càng cao, của xu hướng toàn cầu hóa, kinh tế du lịch phát triển, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa, di sản kiến trúc đô thị đang được khẩn thiết đề ra. Chuyện bảo tồn, tôn tạo và phát triển khu phố cổ ra sao để giữ gìn được bản sắc luôn là trọng tâm trong nhiều cuộc thảo luận khoa học của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Thục Uyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ha-noi-tim-lai-hinh-anh-cua-chinh-minh-4035066-b.html