Hà Nội tiếp tục ra công điện khắc phục hậu quả sau bão, lên phương án xử lý hơn 24 nghìn cây xanh bị gãy đổ
Gần một ngày sau khi siêu bão Yagi đi qua, Hà Nội đang tích cực triển khai các biện pháp để khắc phục hậu quả. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng, đưa ra giải pháp xử lý tình trạng cây xanh gãy đổ và khơi thông các tuyến đường, điện.
Bão số 3, cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua tại Biển Đông, đã quét qua Hà Nội, gây mưa to và dông lốc. Với sức gió cấp 7, giật cấp 9, bão đã làm gẫy đổ hàng nghìn cây, gây mất điện tại một số huyện và ngập úng cục bộ.
Giảm thiểu thiệt hại do bão
Nhờ sự chủ động, tích cực triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Thành phố nên thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 gây ra đã được giảm thiểu đáng kể.
Tính đến tối ngày 8/9, siêu bão Yagi đã gây ra thiệt hại nặng nề với 1 người thiệt mạng và 17 người bị thương ở Hà Nội, trong đó, một người chết và 10 người bị thương trực tiếp do bão. Các trường hợp còn lại bị thương do gió giật mạnh và cây đổ từ chiều ngày 6/9, trước khi bão đổ bộ.
Về tình trạng ngập úng, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, đến tối ngày 8/9, các lưu vực nội thành như sông Cầu Bây, sông Tô Lịch và sông Nhuệ không còn tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, ở ngoại thành, mưa lớn đã khiến 593,6 ha lúa và 231,8 ha rau màu bị ngập, cùng 14.969,7 ha lúa và 973,4 ha rau màu bị đổ. Ngoài ra, 126,3 ha cây ăn quả cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Hệ thống điện bị tác động mạnh bởi dông, lốc và mưa bão vào tối ngày 7/9. Các tuyến đường dây 110kV đã có 12 sự cố nhưng chỉ mất điện tại Trạm Biến áp 110kV Xuân Mai, và đã được khắc phục ngay trong đêm và rạng sáng ngày 8/9. Đối với lưới điện trung áp, mất điện xảy ra chủ yếu ở ngoại thành với 248 đường dây và 04 trạm biến áp bị ảnh hưởng, 38 cột điện gãy đổ tại các huyện như Thanh Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín và Thanh Trì đã gây ra mất điện diện rộng.
Hỏa tốc xử lý cây xanh ngã đổ
Theo báo cáo mới nhất từ Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội và các quận, huyện, đến chiều ngày 8/9, thành phố đã ghi nhận 25.156 cây đổ và cành gãy, với 24.807 cây bị đổ hoàn toàn. Vụ việc xảy ra chủ yếu ở các khu vực Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh và Nam Từ Liêm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân, phương tiện giao thông và cơ sở hạ tầng.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh, đã ký ban hành văn bản khẩn cấp về triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, ông yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp với các đơn vị quản lý cây xanh để huy động toàn bộ nhân lực và trang thiết bị cần thiết. Mục tiêu là giải tỏa nhanh chóng các cây đổ, cành gãy, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường chính của thành phố, và hoàn thành công tác này trước ngày 12/9/2024.
Sau đó, các đơn vị sẽ tiếp tục công tác thu dọn, dựng lại và trồng thay thế các cây mới, dọn vệ sinh và thu hồi gỗ, củi theo đúng quy định pháp luật.
Ông Trần Sỹ Thanh lưu ý đối với những cây xanh quý hiếm và có giá trị bị ảnh hưởng bởi bão, nếu bị nghiêng hoặc đổ, cần được kiểm tra kỹ lưỡng và có biện pháp chống dựng hoặc trồng lại ngay để đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của cây, hoặc di chuyển cây về vườn ươm để chăm sóc và sau đó trồng lại ở những vị trí thích hợp. Công việc này cần được hoàn thành trước ngày 15/9/2024.
Đối với cây đô thị có đường kính dưới 25cm bị gẫy hoặc đổ, cần tiến hành cắt tỉa cành, tán để đảm bảo tính cân đối trước khi trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo đúng quy định. Công việc này cần hoàn thành trước ngày 20/9/2024.
Về việc thu hồi gỗ, củi từ những cây bị gãy, đổ, việc vận chuyển chúng đến điểm tập kết phải hoàn thành trước ngày 20/9/2024 và tiến hành các thủ tục thanh lý theo quy định.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp cùng Sở Xây dựng Hà Nội xác định vị trí đào vỉa hè để trồng và thay thế cây xanh trên các vỉa hè do đơn vị quản lý. Việc thống nhất vị trí trồng cây phải hoàn thành trước ngày 30/9/2024 để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng cây trồng.
Đẩy nhanh khắc phục hậu quả
Sau các nỗ lực ban đầu vào ngày 8/9 để khắc phục hậu quả bão số 3, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh, đã ban hành Công điện số 12. Công điện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho các đợt mưa lũ tiếp theo nhằm bảo vệ tính mạng và hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân.
Công điện yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung vào việc khắc phục hậu quả do bão, cảnh giác cao độ, theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, và chủ động trong công tác ứng phó. Việc hoàn thành công tác thống kê thiệt hại và triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra phải được thực hiện khẩn trương và kịp thời.
Đồng thời, các bệnh viện được yêu cầu cung cấp chăm sóc y tế tốt nhất cho những người bị thương do bão, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân. Công điện cũng nhấn mạnh tới việc hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng để phòng ngừa dịch bệnh sau bão, đảm bảo môi trường sống an toàn và sạch sẽ.
Hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi bão, bao gồm những gia đình có người thương vong trước, trong và sau sự kiện. Đồng thời, đảm bảo điều kiện an toàn tối đa cho học sinh khi trở lại trường, tuân theo chương trình giáo dục năm học 2024-2025 theo đúng quy định. Các lực lượng chức năng được huy động để dọn dẹp và duy trì vệ sinh môi trường sau bão. Đảm bảo sự ổn định của thị trường và giá cả hàng hóa thiết yếu, cung cấp điện cho hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Tăng cường phục hồi sản xuất nông nghiệp, cứu lúa mùa và khuyến khích sản xuất vụ Đông để bù đắp cho những tổn thất của các loại rau màu.
Ngoài ra, tổ chức đánh giá tổng kết các biện pháp ứng phó với thiên tai trong thời gian qua; cập nhật và rà soát kế hoạch cho các tình huống thiên tai có thể xảy ra, triển khai khẩn cấp theo phương châm "4 tại chỗ". Đặc biệt chú ý rút kinh nghiệm từ các thiệt hại nghiêm trọng do gió bão, ngập lụt, sạt lở đất gây ra, nhấn mạnh vào việc chuẩn bị cho các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng như Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, Mỹ Đức...