Hà Nội: 'Tiến sĩ dạy làm giàu' lừa hơn 500 người, chiếm gần 500 tỉ

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP. Hà Nội vừa truy tố bị can Phạm Thanh Hải (SN 1966) về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bán nhà vì 'hoclamgiau.vn'

Trước đó, ngày 2/8/2017, Viện KSND TP.Hà Nội đã ra cáo trạng số 247/CT-VKS (P3) truy tố bị can Phạm Thanh Hải về cùng tội danh nêu trên. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu, Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội đã trả hồ sơ, đề nghị bổ sung thêm số lượng bị hại trong vụ án này.

Sau khi tiến hành điều tra bổ sung, Viện KSND TP.Hà Nội đã ra cáo trạng mới số 83/CT-VKS (P3), bổ sung thêm 12 bị hại, nâng tổng số bị hại lên 508 người với số tiền chiếm đoạt là hơn 476 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Công ty IDT đăng ký kinh doanh các hoạt động: Dịch vụ hỗ trợ giáo dục; hoạt động tư vấn quản lý; sản xuất, bán buôn và bán lẻ thực phẩm; bán buôn hóa chất công nghiệp; dịch vụ tổ chức hội nghị, hội thảo. Trụ sở chính của công ty đặt tại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội), do Phạm Thanh Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Sau khi thành lập, công ty IDT hoạt động kinh doanh trên mạng internet nhưng không có hiệu quả. Do cần tiền để chi phí và phục vụ mục đích cá nhân nên từ năm 2008, Phạm Thanh Hải bắt đầu tổ chức hoạt động huy động vốn cho cá nhân. Mặc dù huy động vốn cho cá nhân nhưng tất cả các hoạt động giới thiệu, quảng bá để thu hút các nhà đầu tư biết đến Hải và góp vốn cho Hải đều được Hải thực hiện thông qua công ty IDT, với danh nghĩa công ty và tại trụ sở của công ty IDT.

Cụ thể, Hải đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng xã hội "hoclamgiau.vn"; Hải tự giới thiệu bản thân là tiến sỹ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô (cũ), là người có tài đầu tư, kinh doanh… Công ty IDT do Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây “Tỷ đô”… nhằm quảng bá thu hút nhiều người biết đến công ty IDT và đầu tư cho các dự án đó.

Chân dung bị can Phạm Thanh Hải.

Để chứng minh tính khả thi của các dự án theo như quảng cáo, Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng (40-50%/năm), cắt lãi ngay khi nộp tiền (mặc dù chưa có hoạt động kinh doanh), đồng thời Hải khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2 – 10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới.

Hải chỉ đạo một số nhân viên kế toán công ty IDT soạn thảo, ký kết hợp đồng, thu chi kiểm đếm tiền giúp Hải. Hải đưa ra các bản Hợp đồng góp vốn đầu tư, Hợp đồng ủy thác đầu tư… với nội dung: bên A là các nhà đầu tư, bên B là Phạm Thanh Hải là Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty IDT; việc góp vốn, ủy thác để đầu tư vào các dự án của công ty IDT, công ty cổ phần đầu tư và phát triển Maccadamia Quốc tế (công ty IDMA).

Ngoài việc ký kết giữa các cá nhân với Hải, trong hợp đồng Phạm Thanh Hải còn ký sử dụng con dấu của công ty IDT với tư cách là Tổng Giám đốc công ty IDT để các nhà đầu tư tin tưởng việc huy động vốn là cho công ty IDT mà đại diện là Tổng Giám đốc Phạm Thanh Hải.

Huy động thành công hơn 2700 tỷ đồng

Bằng thủ đoạn trên, trong vòng 1 năm (từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015), Phạm Thanh Hải đã huy động được số tiền rất lớn từ các nhà đầu tư, với tổng số tiền trên 2.725 tỷ đồng.

Sau khi có tiền, Hải sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân chủ yếu là cho vay, thanh toán gốc và lãi cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi phí tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan, du lịch quảng bá dự án… để tiếp tục mở rộng mạng lưới huy động vốn của nhiều người.

Trong số tiền trên 2.700 tỷ đồng này, Hải chỉ sử dụng một phần số tiền huy động được để góp vốn với danh nghĩa cá nhân vào một số công ty, dự án (114 tỷ đồng).

Kết quả điều tra, xác minh các dự án mà Hải góp vốn này đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như Hải hứa hẹn với các nhà đầu tư và đều không phải là dự án của công ty IDT như Hải đã cam kết trong hợp đồng với các nhà đầu tư.

Cáo trạng nêu rõ: Mặc dù huy động vốn với số lượng tiền lớn, của rất nhiều người nhưng Hải không quản lý việc thu, chi tiền theo sổ sách kế toán; không nắm được số tiền đã huy động, số nhà đầu tư góp vốn… Càng về sau số lượng người đến nộp tiền cho Hải ngày càng nhiều với số lượng lớn. Số tiền gốc, lãi và chi phí hàng tháng Hải phải chi trả lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Để có tiền chi trả tiền gốc và lãi cho các hợp đồng đến hạn, Hải phải tiếp tục dùng thủ đoạn nêu trên để huy động tiền góp vốn nhằm đảm bảo việc thanh toán đúng hẹn, tránh bị đổ vỡ; không bị các nhà đầu tư phát hiện Hải không có khả năng chi trả tiền gốc và lãi, không để các nhà đầu tư tố cáo với cơ quan pháp luật.

Viện KSND TP.Hà Nội xác định, tất cả các hoạt động sử dụng nguồn tiền của các nhà đầu tư, bị can Hải không thông báo cho các nhà đầu tư biết. Hiện Phạm Thanh Hải mất hoàn toàn khả năng thanh toán cho các nhà đầu tư.

Đến nay, tổng số người bị hại đã đến khai báo tại cơ quan điều tra là 508 người với số tiền chiếm đoạt là hơn 476 tỷ đồng. Tổng số tiền của các bị hại đề nghị được bồi thường theo hợp đồng thỏa thuận là hơn 594 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có nhiều bị hại từng từ chối làm việc với CQĐT và có đơn đề nghị cho Phạm Thanh Hải tại ngoại… Sau đó, họ khai khi Hải bị tạm giam, họ được vợ Hải và các cá nhân tự xưng là đại diện các nhà đầu tư đề nghị ký tên vào đơn đề nghị, hứa khi Hải tại ngoại sẽ trả tiền rồi kích động, lôi kéo họ và nhiều người khác tới tụ tập tại các cơ quan Nhà nước. Khi biết bản chất sự việc, những người này đã khai báo sự việc, đề nghị làm rõ hành vi của Phạm Thanh Hải để xử lý theo quy định.

Được biết, Phạm Thanh Hải, SN 1966 trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội, quê ở: Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Năm 1983, Hải tham gia kỳ thi Olimpic Vật lý quốc tế, được giải khuyến khích và được cử đi học tại Liên xô, tại trường Đại học tổng hợp Belarus (Minsk), chuyên ngành Vật lý lý thuyết, tốt nghiệp bằng đỏ, được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh năm 1990 – 1994 tại trường tổng hợp Belarus. Bảo vệ thành công luận án và được cấp bằng Tiến sĩ.

Từ năm 1995 – 2004, Hải làm việc và kinh doanh tại Nga, tham gia sáng lập và quản lý tài chính cho một số doanh nhân và doanh nghiệp. Từ năm 2007 đến nay là thành viên sáng lập Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty IDT, với hàng chục các dự án đã và đang được đầu tư (trong đó có dự án tỷ đô – Cây Mắc ca).

Theo lời giới thiệu tại một buổi trò chuyện, Học làm giàu ra đời với mục đích "hướng dẫn học viên về cách thức làm giàu một cách hiệu quả, khoa học". Dự án bao gồm việc tổ chức các hội thảo, khóa học online và offline liên quan đến phát triển bản thân, kinh doanh, làm giàu của các diễn giả. Bên cạnh đó, theo ông Hải, dự án còn tập trung chia sẻ cơ hội hợp tác, đầu tư, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh cho học viên.

"Chúng tôi đưa ra những giải pháp để giúp học viên không chỉ học lý thuyết suông mà có những công việc cụ thể để thực hành và kiếm tiền. IDT cũng có quỹ đầu tư liên kết với nhiều đơn vị, học viên có những ý tưởng, kế hoạch kinh doanh để trình bày và sẽ được đầu tư vốn, hỗ trợ về tài chính", ông từng chia sẻ tại một buổi trò chuyện.

Bên cạnh đào tạo, IDT cũng đầu tư khá mạnh vào lĩnh vực bất động sản thông qua các dự án do Công ty Reenco Hòa Bình làm chủ đầu tư. Giám đốc của công ty này cũng chính là Phó tổng giám đốc IDT. Tuy nhiên, những thông tin về các dự án bất động sản này như Tây Thăng Long, Đông Trường Sơn... đều khá hiếm hoi, hầu như chỉ được đề cập đến trên website của 2 đơn vị này. Cuối năm 2014, IDT còn đầu tư thành lập Công ty Dịch vụ Bất động sản Đỉnh Cao Mới (NewPeaks) hoạt động trong lĩnh vực môi giới, tiếp thị bất động sản.

PV

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/ha-noi-tien-si-day-lam-giau-lua-hon-500-nguoi-chiem-gan-500-ti-10511.html