Hà Nội: Tích cực xây dựng Chính phủ điện tử, thủ tục hành chính công nhanh chóng, hiệu quả

Thời gian gần đây, với nhiều kế hoạch, biện pháp hiệu quả, các thủ tục hành chính công đã thực sự được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (tại Báo cáo số 137/BC-UBND ngày 22/5/2020), công tác xây dựng Chính phủ điện tử của thành phố Hà Nội đạt được một số kết quả nổi bật.

Được biết, UBND thành phố đang chỉ đạo xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0); Đang thực hiện kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh thành phố (trong đó có Trung tâm phục vụ hành chính thành phố là thành phần) phục vụ các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính.

Ngoài ra, đã hoàn thành kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi theo hướng tập trung, tích hợp tại Trung tâm dữ liệu, làm nền tảng cho việc phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, từng bước hình thành dữ liệu lớn (Bigdata) đảm bảo sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dự liệu quốc gia. Căn cứ Kế hoạch công nghệ thông tin thành phố Hà Nội năm 2019, thành phố đã và đang duy trì, triển khai các hệ thống thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo các lĩnh vực.

Hình thành xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư: Công an thành phố đã tổ chức cập nhật thông tin quản lý cho trên 7,9 triệu người dân Hà Nội (Trong đó có 7.115.014 nhân khẩu có hộ khẩu thường trú tại thành phố đang sinh sống, làm việc, đảm bảo thông tin chính xác tuyệt đối, không sót lọt nhân khẩu); tổ chức vận hành, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư. Công tác phối hợp và chia sẻ các trường thông tin, dữ liệu của cơ sở dữ liệu dân cư được đẩy mạnh để phục vụ kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư với Bảo hiểm xã hội thành phố, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đáp ứng việc tăng cường liên thông, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân, tổ chức, cá nhân, người nộp thuế,...

Ngoài ra, hình thành cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp của thành phố: Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện, hoàn thành số hóa 100% dữ liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để: Đồng bộ dữ liệu với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiêp, tích hợp dữ liệu với phần mềm quản lý đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện phục vụ quản lý, theo dõi, chia sẻ thông tin cho các cơ quan, đơn vị. Thực hiện cơ chế liên thông, cung cấp thông tin với Cục Thuế Hà Nội và các cơ quan, đơn vị để tạo bước đột phá mạnh mẽ, mang lại biến chuyển tích cực, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đồng thời, hình thành kết nối liên thông giữa thành phố với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Bảo hiểm Xã hội Hà Nội đã phối hợp trang bị máy tính và lắp đường truyền cho 100% cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế công lập; chuẩn hóa danh mục dùng chung về thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và kết nối chuyển dữ liệu hàng ngày lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định của cơ quan Bảo hiểm xã hội; kết nối Cổng Dịch vụ công thành phố, Hệ thống một cửa điện tử để liên thông giải quyết các nhóm dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực đăng ký khai sinh.

Ngoài ra, Sở Tài chính đã triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, từng bước hình thành hệ thống dữ liệu thống nhất, tập trung, tích hợp các hệ thống thông tin gồm: quản lý về giá, quản lý tài sản công; quản lý đầu tư liên ngành; quản lý ngân sách và kho bạc trên địa bàn thành phố (TABMIS); đã kết nối cơ sở dữ liệu ngành Hải quan, Kho bạc… đảm bảo liên thông hệ thống từ Trung ương đến thành phố, cấp huyện và cấp xã.

Đáng chú ý, cho đến nay, việc rút ngắn thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống thông tin, văn phòng điện tử đã cho thấy hiệu quả rõ nét. 90% các cuộc họp của UBND thành phố diện rộng đến sở, ban, ngành, quận, huyện và cấp xã thực hiện trực tuyến; 80% các cuộc họp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã diện rộng đến cấp xã thực hiện trực tuyến. Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đã chỉ đạo cách ly toàn xã hội, các cơ quan nhà nước thành phố tổ chức cho công chức, viên chức ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành triển khai cổng Dịch vụ công thành phố cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.448. Trong đó 1.125 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 323 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (bao gồm các dịch vụ công trực tuyến tiếp nhận từ các Bộ, ngành, đơn vị tự triển khai và Thành phố triển khai trên cổng dịch vụ công thành phố). Đã triển khai 61/87 thủ tục hành chính theo danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 triển khai trong năm 2018-2019 của Chính phủ, đạt 70,1% chỉ tiêu. Trong đó, 27/35 (77,1 %) thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 34/52 (66%) thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Hoàn thành triển khai các dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, tháng 12/2019, Hà Nội đã tích hợp 7 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia gồm: Thông báo hoạt động khuyến mãi; Đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông Vận tải cấp; Cấp chứng chỉ hành nghề y dược; Cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh; Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Cấp bản sao trích lục hộ tịch; Đăng ký khai sinh. Thành phố đã tích cực triển khai đưa vào vận hành Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố đến 22 Sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia và triển khai các ứng dụng khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ tổ chức và công dân, UBND thành phố đề nghị các Bộ, ngành sớm tham mưu Chính phủ ban hành các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về xây dựng Chính phủ điện tử, Chuyển đổi số, An toàn thông tin mạng. giai đoạn 2021-2025 để các tỉnh, thành phố có cơ sở triển khai thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử được Chính phủ.

Ánh Dương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-tich-cuc-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-thu-tuc-hanh-chinh-cong-nhanh-chong-hieu-qua-280370.html