Hà Nội thường xuyên ngập: Quy hoạch thoát nước đã lỗi thời?

Theo chuyên gia về quy hoạch Ðào Ngọc Nghiêm, việc chưa hoàn thiện hạ tầng thoát nước, dự báo chưa sát thực tế là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cứ mưa là ngập ở Hà Nội.

Nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu sau trận mưa lớn.

Nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu sau trận mưa lớn.

“Bơi” trên phố

Trả lời báo chí mới đây, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội thừa nhận, trên các tuyến phố khu vực nội thành tồn tại 18 điểm úng ngập cục bộ kéo dài từ 1- 2 giờ, ngoài ra còn một số tồn tại các điểm úng ngập khác trên một số tuyến thuộc thị trấn các huyện và trong các ngõ. Năm 2017, Cty Thoát nước Hà Nội đã giải quyết triệt để được 3/18 điểm úng ngập tồn tại lâu năm trên địa bàn Hà Nội như: Ngã ba Phan Ðình Giót - Quang Trung; đường Yên Nghĩa; đường Cổ Linh. Như vậy, đến đầu năm 2018, các tuyến phố chính của Hà Nội còn tồn tại 15 điểm úng ngập. Tuy vậy, cơn mưa kéo dài đêm 20 rạng sáng 21/7 khiến nhiều tuyến phố Hà Nội ngập hàng giờ đồng hồ. Nhiều điểm ngập nặng như đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Quang Trung (Hà Ðông), Thái Hà (Ðống Ða), Trần Bình (Cầu Giấy), Giải Phóng, Trương Ðịnh, Minh Khai, Chùa Bộc, Tây Sơn, Hoàng Cầu...Ðặc biệt, khu vực trũng, thấp như ở Ðại lộ Thăng Long giao với đường Lê Trọng Tấn (Hoài Ðức) ngập sâu, rút chậm gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Nói về vấn đề này, ông Ðào Ngọc Nghiêm cho biết, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước toàn thành phố, thậm chí có cả quy hoạch điều chỉnh đợt 2, nhưng trong quá trình làm chưa thực hiện đầy đủ và hoàn tất. “Từ thực tiễn này đòi hỏi phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện quy hoạch thoát nước”, ông Nghiêm nói. Với khu vực nội thành, theo ông Nghiêm, hiện nay, thành phố đã cống hóa một số mương thoát nước, đã có tính toán nhưng chưa kết nối được với các khu dân cư xung quanh. Do công suất tối đa chưa đáp ứng được nên mưa to sẽ dềnh lên đường phố.

Lỗi thời?

Theo ông Nghiêm, từ những số liệu dự báo cập nhật nói trên, phải điều chỉnh lại dự án thoát nước, vì trước đây, theo tính toán, hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được mức độ như hiện nay. “Càng ngày càng mưa lớn. Hạ tầng chưa đáp ứng được. Dự án cũ tính theo thông số cũ chưa theo kịp, chưa dự báo được tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lượng mưa”, ông Nghiêm nói thêm. Với những điểm úng ngập cục bộ, ông Nghiêm cho biết, cần có điều tra, khẳng định, xác định rõ những điểm úng ngập để có giải pháp thực hiện. “Việc này chúng ta bàn nhiều quá nhưng không làm. Phải điều tra những vị trí úng ngập cục bộ để đề ra các giải pháp. Thành phố HCM đưa các máy bơm siêu khủng vào rồi mà Hà Nội chưa làm được điều này”, ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm cũng nêu quan điểm về đề xuất đào hồ ngầm dưới lòng phố cổ để giải quyết một số điểm úng ngập cục bộ khu vực nội đô Hà Nội. Theo ông, đây là giải pháp chưa thực sự ứng dụng khoa học công nghệ mới. “Cần đưa những máy bơm cực mạnh để xử lý úng ngập cục bộ. Còn việc đào hồ ngầm, bến ngầm kết hợp trông giữ xe, chứa nước là không thích hợp”, ông Nghiêm nói thêm.

Với các khu vực phía Hà Ðông, Hoài Ðức... bị ngập nặng trong mấy ngày vừa qua, ông Nghiêm cho rằng, đó là vùng trũng, thấp, nên nước đổ dồn về. Một phần nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do xây dựng nhiều, cùng với đó, Hà Nội chưa quan tâm đến quy hoạch cảnh quan cây xanh, mặt nước điều hòa. Theo ông Nghiêm, giải pháp để giải quyết tình trạng úng ngập ở phía Tây Hà Nội chỉ còn cách đẩy mạnh hoạt động các trạm bơm cuối nguồn, kết nối các con sông thoát nước với sông Hồng. “Nhưng thời gian qua người ta kêu nhiều, các sông kết nối với sông Hồng đều bị ô nhiễm. Lượng bùn, rác thải nhiều làm hạn chế tốc độ dòng chảy...”, ông Nghiêm nhận định.

Ngoại thành Hà Nội chịu nhiều thiệt hại

Trên địa bàn xã Ðông Yên (Quốc Oai, Hà Nội), 500m đê sông Tích bị tràn nước, hơn 100m đê bị sạt trượt khiến hơn 130ha lúa mùa vừa cấy của xã bị ngập. Xã đã huy động nhân dân gia cố tạm thời điểm đê sạt trượt; hỗ trợ 20 hộ dân bị ngập nặng thuộc 4 thôn: Ðông Hạ, Ðông Thượng, Việt Yên, Việt Thái sơ tán về nơi an toàn. Trong khi đó, huyện Thạch Thất có gần 1.000ha lúa mùa bị ngập nặng và nhiều diện tích hoa màu ở các xã: Dị Nậu, Kim Quan, Ðồng Trúc bị giập nát; 18,5ha diện tích nuôi trồng thủy sản có nguy cơ mất trắng. Tại huyện Chương Mỹ, theo thống kê ban đầu, mực nước sông Tích, sông Bùi lên nhanh làm 1.286 ngôi nhà, 2.079ha lúa, hoa màu, 268ha nuôi trồng thủy sản, 47ha cây ăn quả trên địa bàn bị ngập nước...

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-thuong-xuyen-ngap-quy-hoach-thoat-nuoc-da-loi-thoi-1304745.tpo