Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp để xóa bỏ 'tư duy nhiệm kỳ'

Lấy hiệu quả công việc làm thước đo, tăng cường trách nhiệm gắn với xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Đó là những giải pháp Hà Nội đang thực hiện, nhằm hạn chế tư duy nhiệm kỳ và cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), để xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.

Không đùn đẩy trách nhiệm

Năm 2012, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã Vân Tảo (huyện Thường Tín) đạt chín chỉ tiêu, sáu chỉ tiêu khác cơ bản đạt. Cùng với điều kiện giao thông thuận lợi, kinh tế phát triển tốt, ai cũng nghĩ chỉ trong thời gian ngắn, Vân Tảo sẽ sớm được công nhận là xã nông thôn mới. Nhưng do năng lực lãnh đạo yếu kém, nên mục tiêu này cứ “trầy trật” kéo dài. Nhất là trong giai đoạn 2015 - 2017, một số lãnh đạo chủ chốt của Vân Tảo vi phạm quản lý đất đai khiến cho địa bàn nguy cơ thành “điểm nóng”, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Năm 2017, Đảng bộ xã Vân Tảo bị đánh giá, xếp loại yếu kém.

Trước tình hình ấy, để xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ địa phương, Huyện ủy Thường Tín đã luân chuyển đồng chí Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện về làm Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Vân Tảo. Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề vướng mắc ở địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Công Thản cho biết, từ Thường trực đến các đồng chí trong Ban Thường vụ, Đảng ủy viên đều trực tiếp xuống cơ sở, nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư tình cảm của nhân dân. Đồng thời, xã đề nghị thành phố và huyện giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, nội bộ xã Vân Tảo đã đoàn kết trở lại, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội. Năm 2018, Đảng bộ xã được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo đà quan trọng để Vân Tảo trở thành xã nông thôn mới vào tháng 3-2019.

Tại quận Nam Từ Liêm, kể từ khi được thành lập đến nay (ngày 1-4-2014), năm nào quận cũng đứng đầu thành phố về số lượng thành lập mới tổ chức đảng tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Trong khi không ít địa phương gặp khó vì nhiệm vụ này, phải tính đến cả phương án “để dành” nguồn, bởi các doanh nghiệp không mấy mặn mà, thì quận Nam Từ Liêm với nhiều cách làm cụ thể, quyết liệt, đã đạt kết quả cao. Phó Bí thư Quận ủy Nguyễn Thanh Minh cho biết, từ quận đến phường đều sát sao nhiệm vụ này, vừa tăng cường tuyên truyền, vận động, vừa có các giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Với những nơi còn “đủng đỉnh”, không xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo quận yêu cầu kiểm điểm gay gắt, đưa làm tiêu chí xếp hạng thi đua. Nhờ đó, quận thường xuyên đạt từ 180 đến 200% kế hoạch được giao, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đưa ngân sách của quận nằm trong tốp đầu của thành phố.

Đây là hai trong số rất nhiều thí dụ thể hiện rõ tinh thần xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ của Đảng bộ Hà Nội. Khi làm việc với các cấp ủy, chính quyền của thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải khắc phục tư duy nhiệm kỳ, giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, không để các vụ việc kéo dài sang nhiệm kỳ sau”. Tinh thần ấy đã được lan tỏa đến các cấp, các ngành bằng nhiều giải pháp, cách làm cụ thể. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy gương mẫu đi đầu, vừa tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, khó khăn, phức tạp mới nảy sinh, vừa quyết liệt xử lý những việc tồn đọng, kéo dài. Từ tình hình thực tế tại một số địa phương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội” và Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Theo đó, lần đầu, Hà Nội đã rà soát, tổng hợp và lập danh sách các vụ việc phức tạp có nguy cơ trở thành “điểm nóng” trên toàn thành phố làm căn cứ chỉ đạo giải quyết. Cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp, trong đó quy rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị và cá nhân người đứng đầu. Đến nay, trong số 200 vụ việc phức tạp, đã có 126 vụ việc được giải quyết xong, đồng thời 82 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài được rốt ráo xử lý. Một số cuộc, đích thân Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố tiếp công dân, giao các cơ quan chức năng giải quyết ngay với thời gian cụ thể. Nhờ đó, đến nay, hơn một nửa số vụ việc được giải quyết xong, góp phần ổn định tình hình cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Tập trung vào những việc khó khăn, phức tạp

Không để tồn tại tư duy “dễ làm, khó bỏ”, nhiều cấp ủy địa phương tập trung xử lý những vấn đề khó khăn, phức tạp tồn đọng. Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, huyện đã tập trung giải quyết tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng và cấp đất dịch vụ cho người dân. Nhờ đó, Đan Phượng là một trong số ít địa phương không xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan vấn đề này. Trong năm 2018, huyện đã bàn giao đất dịch vụ cho hơn 500 hộ dân còn lại. Các địa phương khác như huyện Mê Linh, quận Bắc Từ Liêm cũng đang tích cực xử lý dứt điểm kiến nghị của người dân trong lĩnh vực này.

Ở khối các sở, ngành, một số đầu việc vốn “ấp ủ” từ nhiều năm trước, nhưng đến nay đã được cụ thể hóa. Như việc ban hành hai bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng và công sở; hay Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”. Mặc dù biết rằng sẽ phải nhận rất nhiều áp lực từ dư luận, nhưng theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện: “Nhiều năm qua, ngành giao thông coi ùn tắc như thảm họa. Thấy thảm họa mà không làm gì thì có lỗi với người dân và thế hệ mai sau”.

Bên cạnh đó, thành phố thực hiện nhiều giải pháp khác để loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, từ việc tăng cường kiểm tra, giám sát đến đánh giá cán bộ. Ngày 16-5-2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU “Về việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”, thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống chính trị từ tháng 7-2018. Qua thời gian đầu thực hiện cho thấy, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và hiệu quả công việc được nâng lên.

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thực tiễn tại cơ sở vẫn còn không ít những biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, ở một số nơi, không ít cán bộ vẫn còn tâm lý cho rằng, việc nọ, việc kia là của lãnh đạo khóa trước, cho nên chưa quyết liệt giải quyết, nhất là những việc khó khăn, phức tạp. “Nóng” nhất vẫn là những vi phạm về quản lý quy hoạch, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc theo dự án được phê duyệt vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận và tiến độ xử lý còn chậm. Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng chưa được xử lý dứt điểm. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt hơn để xử lý các sai phạm, trong đó có cả việc xử lý cán bộ, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu hay chuyển công tác. Đây cũng chính là mấu chốt để ngăn chặn tư duy nhiệm kỳ, bảo đảm cho sự phát triển chung của thành phố.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40121402-ha-noi-thuc-hien-nhieu-giai-phap-de-xoa-bo-%E2%80%9Ctu-duy-nhiem-ky%E2%80%9D.html