Hà Nội thúc đẩy triển khai đấu thầu qua mạng

UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nghiên cứu, tuân thủ thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đấu thầu và thúc đẩy triển khai đấu thầu qua mạng.

Việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tăng tính minh bạch hiệu quả, tạo sự cạnh tranh công bằng cho tất cả các đơn vị.

Nhiều đơn vị đấu thầu qua mạng đạt tỉ lệ 100%

Công văn số 1042/UBND-KH&ĐT về việc tăng cường công tác đấu thầu của các đơn vị thuộc TP Hà Nội năm 2021 vừa được UBND TP Hà Nội ban hành nêu rõ: Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, phát huy những kết quả đã đạt được và thúc đẩy triển khai áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng đáp ứng chỉ tiêu năm 2021, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp; các tổng công ty, công ty thuộc TP; UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, tuân thủ thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đấu thầu và thúc đẩy triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng. Theo đó, tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng bằng hình thức chào hàng cạnh tranh đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 90% về số lượng gói thầu và 70% về tổng giá trị các gói thầu...

Chỉ đạo của UBND TP cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất và dự án theo hình thức đối tác công - tư; xây dựng và ban hành quy định pháp luật của TP liên quan đến công tác này để sớm triển khai và thực hiện thống nhất theo hướng minh bạch, rõ ràng, dễ tiếp cận thông tin đối với các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án của TP.

Trước đó, trong năm 2020, Hà Nội đã đặt ra các chỉ tiêu đấu thầu qua mạng vượt các chỉ tiêu của Chính phủ. Nhiều đơn vị có tỷ lệ đấu thầu qua mạng đạt 100%. Theo số liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, số lượng gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng bằng hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi của các đơn vị thuộc TP Hà Nội đạt 89,6%, tổng giá trị gói thầu thực hiện qua mạng đạt 67,7%.

Để tăng cường hiệu quả công tác đấu thầu, hạn chế tiêu cực, vi phạm, Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phải thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về đấu thầu và đăng tải công khai các vi phạm theo đúng quy định.

Loại bỏ hành vi thông thầu, lợi ích nhóm

Nói về việc đấu thầu qua mạng ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều Bộ, ngành địa phương đang làm rất tốt vấn đề này. Đấu thầu qua mạng cần đẩy mạnh hơn nữa giúp tạo môi trường đấu thầu thực sự minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Theo ông Trương, đấu thầu qua mạng đã mang lại nhiều lợi ích không nhỏ. Cụ thể, đấu thầu qua mạng giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, thời gian cho tất cả các bên tham gia. Toàn bộ quy trình đấu thầu qua mạng đều tối ưu và đơn giản hóa. Thông tin về đấu thầu được quản lý đầy đủ, thống nhất trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và được công nhận giá trị pháp lý. Theo thống kê, thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng (từ khi phát hành hồ sơ mời thầu đến khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu) so với đấu thầu truyền thống tiết kiệm trung bình 6 ngày/gói thầu. Quy đổi giá trị tiết kiệm được về thời gian theo chi phí tiền lương/ngày công ước tính chi phí tiết kiệm khi áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2020 khoảng trên 500 tỷ đồng.

Theo khảo sát, các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu qua mạng tiết kiệm chi phí hành chính so với đấu thầu truyền thống là 5 triệu đồng/1 gói thầu (bao gồm chi phí mua hồ sơ mời thầu, chi phí đi lại, in ấn, nhân công). Số lượng nhà thầu trung bình tham dự một cuộc đấu thầu qua mạng là 2,5 nhà thầu/gói thầu. Như vậy đối với 95.000 gói thầu đấu thầu qua mạng trong năm 2020, ước lượng tỷ lệ tiết kiệm chi phí hành chính cho doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu qua mạng là khoảng gần 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, đấu thầu qua mạng còn giúp giảm kiến nghị, kiện cáo đồng thời giảm thời gian xử lý kiến nghị, kiện cáo.

Đấu thầu qua mạng với yêu cầu phải công khai đầy đủ các thông tin, giúp tăng cường công tác giám sát, đặc biệt là giám sát giữa các nhà thầu và giám sát cộng đồng. Thông qua Hệ thống, thông tin về đấu thầu được công khai tập trung, đầy đủ và chính xác giúp các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng thống kê số liệu chính xác về công tác đấu thầu chung của cả nước và theo từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, các chủ thể liên quan dễ dàng kiểm soát thông tin và giám sát việc công khai thông tin đến từng dự án/cuộc thầu.

Đặc biệt thông qua môi trường mạng giúp xử lý được nguồn gốc các tiêu cực trong đấu thầu, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Đấu thầu qua mạng đã trở thành công cụ hữu hiệu để loại bỏ các hành vi tiêu cực trước đây như tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, lợi ích nhóm..., mang lại lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp và cộng đồng.

Trước những lợi ích từ việc đấu thầu qua mạng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ tiếp tục đẩy mạnh đấu thầu qua mạng trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đến năm 2025 thực hiện đấu thầu qua mạng đối 100% gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên và tối thiểu 70% gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ha-noi-thuc-day-trien-khai-dau-thau-qua-mang-559092.html