Hà Nội thông qua lộ trình cấm xe máy đến năm 2030

Với 95/96 đại biểu nhấn nút, tương đương 91,35% đồng ý, đề án quản lý phương tiện giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường đã được HĐND TP Hà Nội thông qua sáng nay 4.7.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội trình bày đề án

‘Đi chiến trường đánh nhau, không sợ bằng bước chân xuống đường’

Nghị quyết về quản lý phương tiện giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu HĐND TP Hà Nội với 10 ý kiến tham gia liên tục trong 2 tiếng, đa số đều đồng tình với mục tiêu và giải pháp đề án đưa ra, nhưng cũng băn khoăn về nhiều vấn đề.

Thảo luận về nội dung quan trọng lộ trình dừng lưu thông xe máy , đại biểu (ĐB) Hoàng Huy Được cho rằng, đề án này tác động không chỉ người dân thủ đô và những người đến thủ đô.

“Đi chiến trường đánh nhau tôi không sợ bằng bước chân xuống đường, đi từ xe buýt xuống họ cứ đi ù ù. Một trong những nguyên nhân quan trọng là ý thức người tham gia giao thông. Đề án sẽ tròn trịa hơn nếu có thêm việc kiểm tra việc học, đào tạo ý thức tham gia giao thông khi học lái xe. Tôi đồ rằng trong bằng lái xe máy bây giờ không biết có bao nhiêu là thật, giả”, ông Được nói.

Cũng theo ĐB Được, hiện rất nhiều nhà cao tầng mọc lên, gây áp lực, trong khi các giải pháp trong đề án chưa tính đến kết nối giữa quy hoạch đô thị và giao thông, vì nhà cứ làm lên thì đường vẫn ùn tắc.

Ông Được cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ đáp ứng của phương tiện công cộng, khi thực tế tuyến BRT gần 10 năm mới đi vào hoạt động nhưng hiệu quả thế nào vẫn đang là câu chuyện. Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nhiều năm nay vẫn đang dở dang.

ĐB Nguyễn Tiến Minh, thành viên Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội, cho biết đã tham gia vào số khảo sát nghiên cứu và thấy xe máy có nguy cơ rủi ro nhất về tai nạn giao thông. Đồng tình với lộ trình dừng lưu thông xe máy, theo ông Minh, khi phương tiện công cộng phát triển, người dân sẽ không thấy cần thiết phải lưu thông xe máy, việc dừng lưu thông sẽ được người dân ủng hộ. Người dân sẽ đi bộ nhiều, đây là thói quen tốt cho sức khỏe, đi bộ đi làm, về nhà, đọc sách trên tàu điện ngầm...

Xây “Hà Nội mới” để giải quyết tận gốc

ĐB Trần Việt Anh đề nghị sớm được thông qua đề án, vì nếu chậm triển khai, thành phố sẽ trở thành một bãi xe di động. Trong khi đó, ĐB Phạm Đình Đoàn đề xuất cần có giải pháp cứng và mềm. Cứng là cấm hạn ngạch cho taxi, cấm xe máy đến 2030. Ông Đoàn cũng mạnh dạn đề xuất TP miễn phí cho người dân đi xe buýt, nếu so với việc TP mất nửa tỉ USD mỗi năm thì có thể chi trả để miễn phí đi xe buýt, tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện công cộng . Điều chỉnh giờ học giờ làm các nghiên cứu đã chỉ ra là giải pháp ngắn hạn nhưng hiệu quả.

“Các biện pháp mà thành phố đưa ra tôi thấy chưa an tâm, vì chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Giao thông Hà Nội chỉ tương đương 1 bát cơm cho 1 người ăn, nhưng giờ 3 người ăn, quỹ chỉ hạn chế như vậy. Tôi đề xuất xây dựng một TP Hà Nội mới, thông minh hiện đại bên cạnh Hà Nội cũ. Đô thị này phải gần Hà Nội xưa, không cần xa như các đô thị vệ tinh Sóc Sơn… Trong dân, doanh nghiệp rất nhiều tiền, người dân sẵn sàng đầu tư. Thời gian đầu tư khoảng 15 - 20 năm, khi đó Hà Nội xưa cũng rất chật hẹp, bức bối rồi”, ông Đoàn nói.

Giải đáp thêm về đề án, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết tỷ lệ mạng lưới phương tiện công cộng sẽ đáp ứng trong cự ly 500 m-1.000 m, bên cạnh việc đi bộ sẽ phát triển xe đạp công cộng, kể cả kết nối bằng taxi. "Một tờ báo Anh hỏi tôi về kết nối từ khu Văn Chương, tôi nối có thể kết nối bằng cả taxi đi ra bến xe buýt, trong đó taxi hết 7.000 đồng, xe buýt 7.000 đồng, chỉ mất 14.000 đồng để xuống Yên Nghĩa", ông Viện nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho rằng nếu được thông qua, đây là đề án mang tính lịch sử của Hà Nội. UBND TP cần hoàn thiện thêm các giải pháp để triển khai trong thực tế.

Sau phần nhấn nút, đã có 95/96 đại biểu HĐND TP biểu quyết thông qua đề án thực hiện.

Lộ trình 3 giai đoạn thực hiện:

2017 - 2018: thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường quản lý nhà nước với vận tải

2017 - 2020: thực hiện các giải pháp về số lượng, chất lượng phương tiện và phát triển vận tải công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn lẻ với các tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Cấp hạn ngạch với xe taxi và các xe hoạt động tương tự taxi như Uber, Grab… Chủ xe ô tô phải mở tài khoản để thực hiện thu phí tự động, nộp phạt, đấu giá quyền khia thác taxi thay thế hàng năm và taxi tăng thêm.

2017 - 2030: từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Mai Hà

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/ha-noi-thong-qua-lo-trinh-cam-xe-may-den-nam-2030-851876.html