Hà Nội: Thông qua Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội vừa thông qua Kế hoạch Đầu tư công (ĐTC) trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp thành phố. Dự kiến, nhu cầu vốn cho cả giai đoạn này hơn 482.000 tỷ đồng, trong đó tổng mức kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 206.750 tỷ đồng.

Tập trung các dự án trọng điểm

Những điểm mới, quan trọng trong Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP. Hà Nội là phê duyệt khung kế hoạch ĐTC trung hạn, từ đó phân bổ vốn linh hoạt, tập trung cho mục tiêu phát triển đồng đều và các vấn đề dân sinh.

Với kế hoạch vốn 206.750 tỷ đồng cho cả giai đoạn, thành phố định hướng đầu tư công sẽ tập trung vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung, những dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những dự án đặc thù tại 11 ngành, lĩnh vực được xác định là trọng tâm đầu tư.

Giải ngân đầu tư công năm 2020 của thành phố được đánh giá cao

Giải ngân đầu tư công năm 2020 của thành phố được đánh giá cao

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội: Từ khung kế hoạch ĐTC, thành phố bố trí linh hoạt kế hoạch vốn ĐTC hằng năm trên cơ sở nhu cầu thực tế và đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương. Chỉ đạo của Thường trực Thành ủy thông qua đồng bộ và kịp thời các cơ chế, chính sách, phân bổ hợp lý nguồn lực, bảo đảm tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng kỹ thuật khung; những dự án trọng điểm của thành phố có vai trò thúc đẩy liên kết; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các huyện phía Nam thành phố như quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B…

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, vốn ĐTC như "miếng bánh", nếu dàn trải mỗi nơi một chút, nguồn vốn khó trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển và trở nên lãng phí. Ngược lại, nếu lựa chọn đúng dự án ưu tiên, đầu tư có trọng điểm, mỗi dự án sẽ tạo ra sức bật mới mạnh mẽ cho phát triển.

Tập trung những dự án trọng tâm, trọng điểm

Đặc biệt, đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hà Nội Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, Hà Nội luôn có lượng vốn ĐTC lớn, khối lượng công việc nhiều nên cần có cách làm linh hoạt, mang tính đột phá, như đẩy mạnh phân cấp, điều chuyển vốn giữa các dự án khi cần thiết để tránh đọng vốn, đọng việc ở nơi trì trệ.

Đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh xác định thứ tự ưu tiên và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Hà cho rằng, để đạt được hiệu quả ĐTC cao nhất, cần thêm cơ chế phân công trách nhiệm đầu tư giữa Hà Nội với các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đầu tư, quản lý các tuyến đường có tính chất liên vùng; các tỉnh, thành phố sẽ đầu tư những công trình thuộc địa bàn quản lý.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả vốn ĐTC giai đoạn 2021-2025, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thành phố vẫn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả ĐTC, bao gồm: Nâng chất lượng thể chế, nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật về ĐTC, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án trên địa bàn. Công tác chuẩn bị dự án đòi hỏi phải đúng quy định, nhưng cũng cần nhanh chóng, kịp thời thông qua đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương cũng cần chú trọng, bởi việc phối hợp tốt chính là "chìa khóa" giúp các dự án đầu tư được triển khai đúng kế hoạch, tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Năm 2020, TP. Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC cao. Trong đó, một trong những kinh nghiệm trong triển khai các dự án ĐTC năm 2020 là khâu theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư được thực hiện quyết liệt, sâu sát; cách làm linh hoạt, mang tính đột phá, khi cần thiết sẽ điều chuyển vốn giữa các dự án để tránh đọng vốn, đọng việc ở nơi trì trệ... Nhờ đó, nhiều khó khăn, vướng mắc được giải quyết kịp thời. Nhiều dự án quan trọng được hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng kế hoạch. Những kinh nghiệm này nếu được áp dụng trong giai đoạn tới, sẽ phát huy hiệu quả tích cực, thúc đẩy hoạt động ĐTC của thành phố.

Năm 2021, TP. Hà Nội đề ra mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng, với chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7,5%. Do đó, ĐTC được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển trên.

Chu Đan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-thong-qua-ke-hoach-dau-tu-cong-trung-han-giai-doan-2021-2025-149566.html