Hà Nội: Thiếu trường học trong các khu đô thị

Lâu nay, vấn đề các KĐT tại Hà Nội thiếu hệ thống trường học vẫn được đề cập nhiều. Thực trạng này có dịp 'nóng' hơn vào thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới.

Không đồng tình với phương án phân tuyến tuyển sinh lớp 1 vào Trường TH Cao Bá Quát, nhiều bức xúc tìm đến trường TH Cao Ba Quát, Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm chất vấn (ảnh chụp tại Trường TH Cao Bá Quát, sáng 08/8).

Trường vừa thành lập đã quá tải

Năm 2017, tại KĐT Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội liền một lúc đưa vào sử dụng 2 trường công là trường Tiểu học Cao Bá Quát và Trường THCS Cao Bá Quát. Người dân KĐT Đặng Xá chưa kịp vui mừng thì ngay trong năm tuyển sinh đầu tiên, năm học 2017 - 2018, Trường Tiểu học (TH) Cao Bá Quát đã quá tải học sinh lớp 1. Các phụ huynh “la làng” vì mỗi lớp, số lượng học sinh đều trên 50 em.

Sự quá tải đấy chưa thấm vào đâu khi vào năm học 2018 - 2019 này, Trường TH Cao Bá Quát có đến 638 học sinh lớp 1 đăng ký nộp hồ sơ. Trong khi đó, theo kế hoạch tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2018 - 2019 trên địa bàn huyện Gia Lâm do Ban chỉ đạo thi, tuyển sinh năm học 2018 - 2019 thuộc UBND huyện Gia Lâm ban hành, năm học này, Trường TH Cao Ba Quát tuyển sinh 500 chỉ tiêu học sinh lớp 1 từ các tổ dân phố (TDP) KĐT Đặng Xá, Bình Minh, Voi Phục, Kiên Trung và Đường 5. Với số lượng hồ sơ đăng ký tăng vọt, nếu không phân tuyến, mỗi lớp sẽ lên đến… 70 học sinh.

Trước thực tế trên, ban đầu, Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm quyết định phân tuyến theo địa giới. Theo đó, các học sinh ở KĐT Đặng Xá, thuộc các TDP xã Đặng Xá sẽ được học tại Trường TH Cao Bá Quát. Các học sinh sinh sống ở KĐT Đặng Xá thuộc các TDP 1, 2, 3 và 4 xã Cổ Bi được phân tuyến về Trường TH Trung Thành (xây dựng mới trên địa bàn xã Cổ Bi, cách Trường TH Cao Bá Quát gần 2 cây số).

Điều đáng nói là Trường TH Trung Thành vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng và hiện là công trường ngổn ngang. Các lớp học mới xây xong phần thô. Sân, hàng rào vẫn đang được tiếp tục xây dựng. Mà theo tiến độ, ngày 15/8, trường Trung Thành mới hoàn thành xây dựng giai đoạn 1, quy mô 20 lớp học.

Phương án phân tuyến này ngay lập tức nhận được phản ứng dữ dội của các phụ huynh sinh sống tại KĐT Đặng Xá, thuộc TDP 1, 2, 3 và 4 của xã Cổ Bi. Bởi KĐT Đặng Xá nằm trên địa phận 2 xã Cổ Bi và Đặng Xá. Cư dân KĐT Đặng Xá cùng thực hiện các nghĩa vụ và quyền lợi như nhau nhưng vì sao học sinh lớp 1 sinh sống tại các TDP thuộc xã Đặng Xá được học tại Trường TH Cao Bá Quát, trong khi các học sinh sinh sống tại các TDP thuộc xã Cổ Bi phải chuyển về học tại Trường TH Trung Thành? Vì sao con em họ buộc phải học ở trường ngoài KĐT trong khi có nhiều học sinh sinh sống ngoài KĐT lại được vào học tại Trường TH Cao Bá Quát?

Trước phản ứng của các phụ huynh, UBND huyện Gia Lâm đã họp và quyết định thay đổi phương án phân tuyến tuyển sinh. Theo đó, từ phân tuyến theo địa bàn xã trước đây thành phân tuyến theo tình trạng đăng ký cư trú. Cụ thể, tất cả các học sinh sinh sống ở KĐT Đặng Xá có hộ khẩu thường trú, gồm 279 cháu, sẽ được học tại Trường TH Cao Bá Quát. Các trường hợp học sinh đăng ký tạm trú, gồm 359 cháu, sẽ chuyển về học tại Trường TH Trung Thành.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lý Duy Thanh, phương án phân tuyến điều chỉnh công bằng hơn, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh.

Đối với Trường TH Trung Thành, ông Lý Duy Thanh cho biết: Trường được đầu tư 70 tỷ đồng, trên diện tích 1,2ha, theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. Huyện đã điều động 30 giáo viên có chất lượng cao ở các trường TH lân cận về làm nòng cốt trường TH Trung Thành, nhằm bảo đảm chất lượng giảng dạy tại nhà trường.

UBND huyện cũng đang đôn đốc nhà thầu thi công và ưu tiên bố trí vốn cho công trình. UBND huyện cam kết khánh thành và đưa trường vào hoạt động từ ngày 15/8. Trường sẽ đón năm học mới đúng hẹn. Như vậy các phụ huynh có thể yên tâm con mình sẽ được học tập trong ngôi trường rộng rãi, sạch đẹp, khang trang, chất lượng giáo dục bảo đảm.

Từ câu chuyện tuyển sinh lớp 1 tại Trường TH Cao Bá Quát trong KĐT Đặng Xá, ông Lý Duy Thanh kiến nghị UBND TP Hà Nội cần quyết liệt chỉ đạo trong phát triển KĐT, các thiết chế y tế, trường học phải đi trước một bước. Tránh để chính quyền bị động và gánh chịu hệ quả như ở KĐT Đặng Xá.

Vẫn thiếu trường học trong các KĐT

Câu chuyện của Trường TH Cao Bá Quát chỉ là một trong những ví dụ về tình trạng thiếu các trường học trong KĐT.

Tại P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, ước tính có khoảng 80 tòa nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng, đón cư dân vào sinh sống. Hạ tầng xã hội của P.Hoàng Liệt đang chịu sức ép của khoảng 7 vạn dân (tương đương với dân số của 3 phường), nhưng mỗi cấp học phường chỉ có một trường công lập.

Thực trạng thiếu trường, nhất là trường công lập trong các KĐT dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống trường có sẵn trên địa bàn. Các trường này được xây dựng để đáp ứng cho người dân vốn sinh sống trên địa bàn. Khi các KĐT, khu nhà ở đưa vào hoạt động, lượng dân cư mới đến ở có thể tương đương với dân số của một phường, khiến tình trạng quá tải ở các trường, lớp công lập.

Vấn đề các KĐT Hà Nội thiếu trường học nhiều năm qua cũng đã làm “nóng” nghị trường. Còn nhớ, tại phiên chất vấn tháng 7 năm ngoái, một trong những vấn đề được các đại biểu HĐND Hà Nội quan tâm là tình trạng thiếu trường học trong các KĐT. Đại biểu Trần Thế Cương (tổ Bắc Từ Liêm) đã từng chất vấn Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, yêu cầu Sở này giải trình trách nhiệm của mình trong việc tham mưu để phê duyệt các quy hoạch về hạ tầng xã hội và quy hoạch đất để xây dựng trường học trong các KĐT?

Về vấn đề này, ông Lê Vinh - Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho biết, đối với các KĐT, trong quy hoạch phải thiết kế đầy đủ các thiết chế hạ tầng xã hội. Việc xảy ra thiếu trường trong KĐT có nguyên nhân là do trong quá trình triển khai thực hiện, các chủ đầu tư thường xây nhà trước, xây hạ tầng xã hội sau. Khi phát triển đô thị, tỷ lệ xây dựng các trường trong các KĐT rất thiếu, nhất là những KĐT phát triển mới như ở khu vực Cầu Giấy, Long Biên...

Một nguyên nhân khác khiến các KĐT thiếu trường học là trong quy hoạch trường học thường được đưa vào vị trí khó GPMB. Sở QH-KT Hà Nội phát hiện có việc này và đang cho điều chỉnh.

Về hướng giải quyết, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho rằng, ở KĐTM yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh xây dựng nhà trẻ, trường học. Ở khâu cấp phép phải có chế tài ngay, yêu cầu xây dựng đầy đủ trường học trong KĐT... Đợt tới, trong cải tạo chung cư cũ, Sở tham mưu UBND yêu cầu các chủ đầu tư tính toán đầy đủ hạ tầng kỹ thuật...

Cũng liên quan đến vấn đề trường học trong KĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất UBND TP rà soát quy hoạch mạng lưới trường học để xây dựng và điều chỉnh lại quy hoạch đã được phê duyệt năm 2012. Trong đó, việc quy hoạch cần căn cứ vào số lượng dân cư hiện sinh sống và dự báo dân cư di dân đến, đặc biệt là các khu có chung cư cao tầng để dành quỹ đất đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phòng học, trường học, giáo viên đủ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Trước đó, theo quy hoạch mạng lưới trường học do UBND TP phê duyệt, trong giai đoạn 2012 - 2020, TP cần xây mới 635 trường học. Tính đến năm 2015 đã có 763 dự án được triển khai, vượt xa so với chỉ tiêu, nhưng quy mô học sinh phát triển mạnh, mạng lưới trường lớp vẫn chưa kịp đáp ứng nhu cầu, nên tình trạng thiếu chỗ học vẫn thường trực.

Minh Hằng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-noi-thieu-truong-hoc-trong-cac-khu-do-thi.html