Hà Nội thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết trong tuần (từ ngày 11-18/11), thành phố ghi nhận 1.378 ca mắc mắc sốt xuất huyết (tăng 2,6% so với tuần trước), trong đó có 2 ca tử vong tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông.

Hai trường hợp tử vong ở Hà Nội đều là nam, 31 và 38 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ở ngày thứ 5 và 7 từ khi có dấu hiệu sốt xuất huyết. Dù được lọc máu, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng cả hai đều tử vong sau 6 ngày điều trị tích cực.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết. Con số này tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong).

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần cũng ghi nhận thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện. Đơn vị ghi nhận nhiều ổ dịch nhất trong tuần là quận Hai Bà Trưng với 7 ổ dịch, tiếp đến là quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 4 ổ dịch; các quận, huyện: Thanh Oai, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, và Hoài Đức mỗi nơi có 2 ổ dịch; còn lại 6 quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Xuân, Đông Anh, Mê Linh, Long Biên, Quốc Oai mỗi địa bàn có 1 ổ dịch.

Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), từ đầu năm đến nay tiếp nhận hơn 2.800 ca mắc, tăng cao so với các năm trước, kể cả số ca nặng. 70% bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện này có dấu hiệu cảnh báo nặng, 30% kèm bệnh nền như béo phì, cao huyết áp, rối loạn đông máu...

PGS. TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi.

Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.

PGS Cường khuyến cáo, sốt xuất huyết trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin và ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu, không được dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch hay cao phân tử mà cần sự theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt. “Tuy nhiên nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh. Đấy là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện.” – PGS Cường nhấn mạnh.

Trà My

Đài PT - TH Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/ha-noi-them-2-ca-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-d217069.html