Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp

Thời gian qua, mô hình hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tại Hà Nội hoạt động khá hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp, làm ăn có lãi, thu nhập của người dân được nâng lên. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, hiện nay các HTXNN vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn và đạt kết quả cao hơn, thành phố cần thực hiện thêm một số giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới.

Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thăm mô hình bưởi an toàn tại xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ. Ảnh: ÁNH NGỌC

Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thăm mô hình bưởi an toàn tại xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ. Ảnh: ÁNH NGỌC

Theo Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội, trên địa bàn hiện có hơn 1.000 HTXNN, trong đó có 89 HTX sản xuất gắn với chuỗi liên kết, 60 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ. Từ khi triển khai Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong HTX nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020” theo Quyết định số 8450/QĐ-UBND ngày 5-12-2017 của UBND thành phố, một số HTXNN đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, “thay da đổi thịt” từng ngày. Đơn cử là các mô hình liên kết chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao tại HTXNN Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) và HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Bồng Mạc (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh); thâm canh cây bưởi Diễn theo hướng VietGAP tại HTX Hương Bưởi Phúc Thọ (xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ); chăn nuôi, tiêu thụ gà mía tại HTX Chăn nuôi thương mại và đầu tư Đoài Phương (thị xã Sơn Tây) và HTX nông nghiệp Tân Minh (xã Tân Minh, huyện Thường Tín). Ấn tượng trong số này là HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), đơn vị tiên phong trong thực hiện liên kết chuỗi, kết hợp với hàng chục hộ chăn nuôi để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng thịt lợn. Các hộ xã viên được hỗ trợ từ chọn tạo con giống, cung cấp thức ăn đến kiểm soát thú y. Sản phẩm “đầu ra” luôn tiêu thụ ổn định. Những nỗ lực của các HTXNN đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thu hẹp đất trống đồi trọc, đầm lầy, hoang hóa, tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng cho thị trường và xã hội.

Bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí thừa nhận, trong quá trình hoạt động, các HTXNN vẫn gặp không ít trở ngại. Đó là bộ máy quản lý của HTXNN ở một số huyện chưa được chú trọng, còn nhiều khó khăn, nhất là về tài chính, cho nên khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước và thành phố. Chính quyền địa phương cấp xã chưa xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, do đó công tác tập huấn, đào tạo nghề ít được quan tâm, người lao động không được định hướng nghề. Nhận thức của một số cán bộ về HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các HTX ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, chất lượng cây giống, con giống chưa cao, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, sức cạnh tranh còn yếu; phát triển vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo quy hoạch, còn lúng túng trong định hướng, đầu tư phát triển kinh doanh. Nhiều đơn vị chỉ tập trung cho dịch vụ đầu vào (cung ứng giống, vật tư...), những dịch vụ khác như: Bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm. Số HTX thực hiện bao tiêu nông sản cho nông dân còn ít…

Để khắc phục những bất cập nêu trên, theo các chuyên gia, cần thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước với mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; định hướng cho các chủ trang trại trong quản lý nguồn lực trang trại và chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Nhà nước cần ban hành thêm cơ chế, chính sách có tính khả thi với HTX như: Thành lập mới HTX, giao đất, cho thuê đất làm trụ sở, sản xuất, kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất.

Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ Nguyễn Văn Thanh mong muốn, tới đây để đơn vị có thể cung cấp thêm nhiều thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, HTX kiến nghị thành phố nên có cơ chế “thoáng” cho các tổ chức, cá nhân được thuê đất dài hạn, giúp HTX yên tâm phát triển sản xuất. Mặt khác, cố gắng tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, Luật Hợp tác xã năm 2012, hướng dẫn quy định về chương trình phát triển nông nghiệp cho cán bộ, xã viên để họ nâng cao nhận thức về HTX kiểu mới. Triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTXNN trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2020 sau khi UBND thành phố ban hành theo quy định. Tiếp tục đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, điều hành chuyên môn của các đơn vị liên quan; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia sản xuất..., để có thêm nhiều HTXNN sản xuất, kinh doanh giỏi.

BẰNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43571902-ha-noi-thao-go-kho-khan-cho-hop-tac-xa-nong-nghiep.html