Hà Nội tham vọng là trung tâm khoa học công nghệ, nằm top đầu Châu Á vào năm 2045

Chiều 14/7, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN về kết quả phối hợp công tác giữa hai đơn vị.

Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Các vấn đề lớn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ của Hà Nội cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Thành tựu chưa tương xứng với tiềm năng

Bí thư Hà Nội cho biết, mục đích của cuộc làm việc nhằm tăng cường hoạt động giữa hai đơn vị trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động KHCN. Đổi mới sáng tạo để phát triển TP và đóng góp vào sự đi lên của cả nước.

Theo ông Vương Đình Huệ, Hà Nội xác định là một trong những trung tâm lớn của cả nước về KHCN. Cần tập trung nguồn lực xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo của đất nước. Tiến tới là của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

"Với vị trí, đặc thù của Hà Nội là một trung tâm lớn thì việc nghiên cứu khoa học, xã hội và nhân văn nhằm biến nền tảng, truyền thống nghìn năm văn hiến thành động lực để phát triển TP" - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Báo cáo do Phó Chủ tịch thành phố Ngô Văn Quý trình bày cho thấy, thời gian qua, hoạt động KHCN đã có những đóng góp quan trọng. KHCN ngày càng thể hiện là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động KHCN của Hà Nội nhìn chung còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.

KHCN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống cơ chế, chính sách về KHCN chưa hoàn thiện. Chưa khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện đổi mới, ứng dụng, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ. Chưa tạo tính tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu. Kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp còn yếu.

Thị trường KHCN ở Thủ đô còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi giới chuyển giao công nghệ.

Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025. Thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2035. Thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nhanh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Hà Nội và quốc gia. Là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao. Nó phải là vùng lõi với hạ tầng hiện đại của đô thị vệ tinh hiện đại...

Doanh nghiệp sẽ là "chủ đầu tư" lớn

Bí thư Vương Đình Huệ:

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội với 10 nhóm mục tiêu. Cụ thể, xây dựng Hà Nội trở thành Trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Phát triển nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn phục vụ cho việc đề ra các giải pháp quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của Thủ đô. Hà Nội phấn đấu là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2025, phần đầu tư của xã hội cho KHCN và đổi mới sáng tạo chiếm 70% tổng đầu tư; tổng đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo không thấp hơn 1% GRDP của Thủ đô…

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, Hà Nội có tiềm lực KHCN với hạ tầng mạnh nhất. Nơi đây có nhiều trung tâm nghiên cứu, số lượng giáo sư tiến sĩ đông và đóng góp tỷ lệ cao nhất trong tiềm lực KHCN quốc gia. Nguồn lực đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo của Hà Nội cũng cao nhất cả nước (cả về đầu tư từ ngân sách cũng như của các doanh nghiệp). Hà Nội dẫn đầu cả nước về sản phẩm đầu ra của nghiên cứu KHCN cũng như số lượng công bố quốc tế. Chính vì thế, tác động của KHCN với phát triển kinh tế - xã hội và năng suất lao động của Hà Nội cũng ở mức cao nhất cả nước.

"Với tiềm năng, hội tụ nguồn lực, sức sáng tạo, năng lực, ý chí vươn lên của người Hà Nội chắc chắn trong thời gian tới, diện mạo phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo của Thủ đô sẽ phát triển hơn nữa" - ông Lê Xuân Định bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng lưu ý, thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ là "chủ đầu tư" lớn nhất cho phát triển KHCN. Do đó, cần cơ chế để khơi thông nguồn đầu tư này. "Khi được khuyến khích, các doanh nghiệp ở Hà Nội chỉ 12 tháng đã đầu tư bằng gần 50% của Nhà nước trong 5 năm. Với thế mạnh của mình, Hà Nội cũng cần tận dụng đẩy các startup lên trở thành một lực lượng kinh tế mới" - Thứ trưởng Bộ KH&CN nêu dẫn chứng.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chỉ rõ nhiệm vụ của ngành KHCN, là phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo. Thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Mở rộng mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo. Trong đó, khởi nghiệp sáng tạo có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm, giải quyết khó khăn thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững quốc gia.

"Trên địa bàn Hà Nội hiện có 80% trường đại học, viện nghiên cứu. 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. 65% giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học sống ở Hà Nội, phần lớn tinh hoa cả nước đang tập trung tại đây. Vì vậy, Hà Nội phải phát triển thêm nhiều đề tài, sáng chế hữu ích, có tính thực tiễn, xứng tầm Thủ đô của đất nước" - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-tham-vong-la-trung-tam-khoa-hoc-cong-nghe-nam-top-dau-chau-a-vao-nam-2045-20200716093921990.html