Hà Nội tập trung phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, ngay từ đầu năm TP Hà Nội đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra.

Tháng 1/2020: Dịch vụ tiêu dùng, thu ngân sách đạt khá

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, trong tháng 1/2020, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2020 ước tính đạt 256 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 11,4% so cùng kỳ năm 2019.

Chia theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 năm nay ước tính đạt 32 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với tháng trước và tăng 14,7 so với cùng kỳ do vào dịp Tết nên nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao, trong đó: Lương thực, thực phẩm tăng 23,4% so cùng kỳ; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 21,4%; ô tô dưới 9 chỗ ngồi tăng 11,4%... Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 5.400 tỷ đồng, giảm 0,5% và tăng 5%; du lịch lữ hành đạt 995 tỷ đồng, tăng 1,4% và tăng 5,6%; dịch vụ khác đạt 13 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% và tăng 8,3%.

Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội tháng 1/2020 duy trì mức tăng trưởng ổn định. Các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh mở rộng các giải pháp tín dụng an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tổng thu ngân sách tháng 1/2020 ước tính thực hiện 26,6 nghìn tỷ đồng, trong đó dầu thô đạt 230 tỷ đồng; thu nội địa đạt 26,4 tỷ đồng. Đóng góp nhiều nhất vào tổng thu nội địa trong tháng là khu vực DN ngoài Nhà nước chiếm 31,6%; khu vực kinh tế Nhà nước chiếm 26,8%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 14,9%; tiếp theo là các lĩnh vực kinh tế khác.

Cùng với xu hướng chung của toàn ngành công nghiệp, trong tháng 1/2020 hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực (chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo) có chỉ số sản xuất giảm. Kéo theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp chung tháng 1 ước tính giảm 24,9% so với tháng trước và giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do tháng 1 năm nay trùng với Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và cùng kỳ năm 2019, đồng thời tháng 12/2019 cũng là thời điểm các DN tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Canh Tý. Đồng thời kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn TP trong tháng ước tính đạt 1.041 triệu USD, giảm 20,2% so tháng trước và giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, Hà Nội phấn đấu mục tiêu GRDP tăng từ 7,5% trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 136 triệu đồng; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 8%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng trên 10,5%...

Trong điều kiện kinh tế trong nước còn nhiều thách thức, thiên tai dịch bệnh; khu vực thế giới chưa phục hồi nhiều…, ngay từ đầu năm TP đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra. Đồng thời, chuẩn bị và tổ chức tốt công tác phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, an toàn, tiết kiệm; bố trí cán bộ trực trước, trong và sau Tết nhằm kịp thời xử lý các công việc đột xuất trong thời gian nghỉ Tết. Ngay sau thời gian nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm hoạt động bình thường, thông suốt của cơ quan, đơn vị.

Quyết tâm thi đua phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu

Thủ đô Hà Nội đang bước vào năm 2020 với sự quyết tâm cao độ, đặt ra nhiều giải pháp, mục tiêu, trong đó, hàng đầu là chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại kinh tế Thủ đô và các ngành lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, TP Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư, đẩy mạnh tăng trưởng. Tái cơ cấu các ngành kinh tế, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao; chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch... thực hiện hiệu quả công tác tài chính, ngân sách; tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, khơi thông các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng. Tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự và xây dựng đô thị, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường...

Lãnh đạo TP yêu cầu chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư, khơi thông các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng, khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo... để tạo ra năng lực sản xuất mới, động lực tăng trưởng mới. “TP tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền với phương châm: Hành động, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; coi sự thành công của DN là thành công của chính mình; tiếp tục xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, tạo ra đột phá mới trong đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài; tích cực chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực”- Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

TP xác định rõ những thách thức cần hóa giải ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Đó là tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động, hoặc rút khỏi thị trường vẫn chiếm trên dưới 30%; diễn biến thương mại toàn cầu còn những phức tạp nhất định... TP sẽ hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, khuyến khích DN mở rộng liên kết, tiếp thu công nghệ mới và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu; coi xuất khẩu là động lực tăng trưởng. TP cũng đẩy mạnh việc mời gọi đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành hạ tầng các khu công nghiệp Phú Nghĩa, Quang Minh, Sóc Sơn... để đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho DN…

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết, năm 2020, Sở sẽ thực hiện đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống phân phối, thúc đẩy gắn kết giữa sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ sản xuất và lành mạnh trên thị trường... Đồng thời tiếp tục mời gọi đầu tư 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị... nhằm hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại...

Còn Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thì cho rằng, năm 2020, TP Hà Nội cũng nên tập trung cải thiện một số chỉ số thành phần còn có hạn chế như tính minh bạch, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian... để giữ vững phong độ cũng như cải thiện vị trí trong PCI. Hy vọng, với những giải pháp, sự điều hành của TP cùng sự nỗ lực, năng động của cộng đồng DN và các địa phương, kinh tế Thủ đô sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong năm 2020.

Năm 2020 được TP Hà Nội xác định chủ đề công tác là năm “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp”.

TP xác định: sự vào cuộc, nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm với quyết tâm cao không chỉ đòi hỏi trí tuệ, tâm huyết của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; sự năng động, sáng tạo, đóng góp nhiệt thành của cá nhân từng cán bộ, đảng viên, DN, người lao động nói riêng, Nhân dân Thủ đô nói chung mà còn cần sự tập trung cao độ ngay từ khi triển khai.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-tap-trung-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-ngay-tu-dau-nam-363391.html