Hà Nội tập trung cao độ, làm hết khả năng để phòng, chống dịch bệnh nCoV

Chiều 3-2, UBND thành phố Hà Nội họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Dự họp có lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã.

Hà Nội chưa có trường hợp lây nhiễm vi rút nCoV

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến 15h ngày 3-2, cả nước ghi nhận 8 trường hợp dương tính với nCoV. Hiện nay, đã có 2 trường hợp khỏi bệnh.

Tại Hà Nội, cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV. Hiện có 29 trường hợp nghi nhiễm nCoV đang được giám sát tại bệnh viện, trong đó, 27 trường hợp đã có xét nghiệm âm tính với nCoV; 2 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm. Tổng số trường hợp tiếp xúc gần với những người nghi nhiễm là 104 người, trong đó, số đã được kết thúc giám sát là 93 người, 11 người đang tiếp tục được giám sát.

Ngày 1-2-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp chủng mới do vi rút corona gây ra.

Tại Hà Nội, UBND thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập. Sở Y tế và UNBD các quận, huyện, thị xã đã chủ động ban hành kế hoạch phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Ngày 31-1-2020, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về phòng chống, bệnh viêm đường hô hấp. Theo đó, để thực hiện được mục tiêu phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong do nCoV, thành phố Hà Nội đã xây dựng “kịch bản” chi tiết để ứng phó với 4 cấp độ dịch bệnh là: Có trường hợp bệnh xâm nhập; dịch bệnh lây nhiễm thứ phát trên địa bàn thành phố; dịch bệnh lây lan trên địa bàn thành phố với hơn 20 trường hợp mắc; dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với hơn 1.000 trường hợp mắc. Các kịch bản đều rõ quy trình, trách nhiệm, các đầu mối được giao nhiệm vụ...

Nếu cần thiết, có thể cho học sinh nghỉ học thêm

Tại cuộc họp, các sở, ban, ngành thành phố đã báo cáo việc phòng, chống dịch bệnh. Theo Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải, các hoạt động du lịch bị ảnh hưởng đáng kể, tuy nhiên, ngành Du lịch hiện vẫn bám sát các chỉ đạo của thành phố, cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh.

Về vấn đề quản lý khẩu trang, thiết bị y tế trên thị trường hiện nay, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra được 256 nhà thuốc, 2 cơ sở kinh doanh, trang thiết bị y tế. Cục Quản lý thị trường tiếp tục tuyên truyền tới các cơ sở kinh doanh cam kết bán hàng đúng giá niêm yết, không tăng giá các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn…

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội báo cáo sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến (dự kiến tại Sơn Tây), thực hiện nhiệm vụ cách ly 950 người Việt Nam được vận chuyển về từ các vùng dịch như Trung Quốc và những nước khác ngay khi thành phố yêu cầu.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh một số phần việc đối với các sở, ngành. Cụ thể, Sở Y tế cần kiểm tra, rà soát các bệnh viện, trạm y tế để sẵn sàng các phương án cách ly; hướng dẫn việc khử khuẩn, tẩy trùng, vệ sinh ở các nơi như trường học, cơ quan, công sở... Bộ Tư lệnh Thủ đô cần chuẩn bị các phương án cho bệnh viện dã chiến trong trường hợp thực hiện vận chuyển người Việt Nam ở các vùng dịch về nước hoặc ngay khi mức độ lây lan bệnh ở cấp độ 4. Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi tình hình dịch bệnh, nếu cần thiết cho học sinh nghỉ học thêm. Sở Lao động, Thương binh - Xã hội cần rà soát số người lao động sang Trung Quốc làm việc để có phương án theo dõi, kiểm tra sức khỏe. Sở Văn hóa và Thể thao kiểm soát việc thực hiện dừng các lễ hội, giải chạy marathon, hạn chế các hoạt động tụ tập đông người…

Phun khử trung tại các cơ quan, công sở, nơi công cộng

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh những thuận lợi của Hà Nội trong phòng chống dịch bệnh là hiện chưa có trường hợp lây nhiễm chéo. Hà Nội đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống kịp thời như triển khai phun, khử khuẩn hơn 5.000 trường học trên địa bàn; cho học sinh trên địa bàn Hà Nội nghỉ học từ nay đến hết ngày 9-2. “Từ nay đến hết ngày 9-2, nếu thành phố chưa phát hiện được thêm trường hợp nào nhiễm bệnh thì chúng ta có thể yên tâm là cách phòng, chống bệnh của thành phố đã mang lại hiệu quả. Lúc đó, thành phố sẽ tính những giải pháp tiếp theo”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố đã đề ra các biện pháp, nhiệm vụ mà các sở, ngành cần thực hiện ngay. Đó là: Đẩy mạnh việc tuyên truyền hướng dẫn cho người dân trong việc phòng, chống dịch; phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng như bến tàu, xe, khi tham gia các phương tiện vận tải công cộng, nơi đông người. Đặc biệt, tuyên truyền để khách du lịch, người lao động, du học sinh đã qua vùng dịch nhận thức mức độ lây lan của bệnh, hiểu tường tận cách phòng chống, dấu hiệu bệnh, liên hệ với cơ sở y tế để có các giải pháp phòng chống.

Các cơ quan truyền thông cần mời chuyên gia y tế, tiếp tục đưa ra các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa bệnh để nhân dân nắm rõ, như cách sử dụng khẩu trang, khử khuẩn, giữ gìn vệ sinh đúng cách; tuyên truyền để người dân thận trọng nhưng không nên hoang mang với bệnh này.

Các trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học, nhà xe, bến tàu… phải tiến hành khử khuẩn. “Những địa điểm này nằm trên địa bàn nào thì địa phương đó phải có trách nhiệm khử khuẩn. Lãnh đạo địa phương và lãnh đạo các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện. Đây là biện pháp hữu hiệu để tránh lây nhiễm chéo hiệu quả nhất”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế chủ trì, hướng dẫn 584 trạm y tế xã, phường, thị trấn tiến hành khử khuẩn, chuẩn bị phòng cách ly; hướng dẫn các địa phương cách phân biệt cúm theo mùa thông thường với bệnh do vi rút nCoV. Các bệnh viện tuyến huyện phải chuẩn bị phương án xấu nhất khi số người bệnh tăng lên. Sở Y tế cũng cần cập nhật phác đồ điều trị của thế giới, rà soát các thiết bị sẵn có để chuẩn bị tốt nhất cho công tác điều trị hiệu quả đối với người mắc bệnh.

Một trong những công việc mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lưu ý là, Cục Quản lý thị trường làm chặt chẽ việc buôn bán động vật hoang dã; khuyến cáo người dân thời điểm này không ăn thịt chó, mèo…

Sở Tài chính cần chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng trong việc phòng chống bệnh. “Cần khẩn trương, chuẩn bị đủ khẩu trang, trước mắt chuẩn bị 2-3 triệu khẩu trang để phát miễn phí cho học sinh ngay khi đi học trở lại”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nói. Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Giáo dục - Đào tạo thực hiện khử khuẩn thêm một lần nữa trước khi học sinh quay trở lại trường.

“Hà Nội huy động cả hệ thống chính trị, mọi người dân cùng vào cuộc trong đợt phòng, chống dịch bệnh này. Mọi thông tin về dịch bệnh phải được cập nhật hằng ngày, thường xuyên, liên tục và phải công khai, minh bạch để mọi người dân nắm được. Trường hợp đưa thông tin sai lệch, đề nghị Công an thành phố xử lý nghiêm”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh tại cuộc họp.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/957269/ha-noi-tap-trung-cao-do-lam-het-kha-nang-de-phong-chong-dich-benh-ncov