Hà Nội tập huấn các điểm mới về chứng thực

Ngày 2-7, Sở Tư pháp Hà Nội đã dành thời gian một ngày để tập huấn các quy định mới về chứng thực trong Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 3-3-2020 và quyết định số 1329/QĐ-BTP ngày 1-6-2020 của Bộ Tư pháp cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cùng đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã về dự Hội nghị tập huấn, trực tiếp giải đáp thắc mắc của cán bộ tư pháp cơ sở về công tác chứng thực.

Thông tin các điểm mới của những điểm mới cơ bản của Thông tư số 01/2020/TT-BTP bà Lê Thị Tú Hồng, Trưởng phòng Quản lý chứng thực, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết: Thông tư 01/2020/TT-BTP ban hành trên cơ sở giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn chưa có quy định pháp luật điều chỉnh và có hiệu lực thi hành từ ngày 20-4-2020. Điểm mới nổi bật của Thông tư là quy định cụ thể các trường hợp được chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Trước đó, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP (điểm d, khoản 4 Điều 24) cho phép thực hiện chứng thực chữ ký đối với Giấy ủy quyền chỉ là đơn giản hóa thủ tục đối với một số trường hợp ủy quyền có nội dung đơn giản, phổ biến để tạo điều kiện, tiết kiệm chi phí cho người dân.

Trưởng phòng Quản lý chứng thực Lê Thị Tú Hồng thông tin về các điểm mới của Thông tư 01/2020/TT-BTP. Ảnh Khánh Huy

Trưởng phòng Quản lý chứng thực Lê Thị Tú Hồng thông tin về các điểm mới của Thông tư 01/2020/TT-BTP. Ảnh Khánh Huy

Tuy nhiên, quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về việc ủy quyền phải thỏa mãn đầy đủ tất cả các yếu tố quy định tại khoản 4 Điều 24 (không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền, không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản) thì mới được chứng thực chữ ký.

Điều này dẫn đến tình trạng một số văn bản ủy quyền có nội dung liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thuộc diện không được chứng thực chữ ký thì vẫn được cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký như: ủy quyền định đoạt, quản lý tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất; ủy quyền vay vốn ngân hàng, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, cơ cấu nợ, quyết định thực hiện các khuyến nghị của ngân hàng... Từ đó gây tiềm ẩn phát sinh tranh chấp, rủi ro trong quan hệ, giao dịch dân sự, hành chính.

Vì vậy, để hiểu và thống nhất trong việc thực thi các quy định pháp luật về chứng thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Thông tư số 01/2020/TT-BTP đã quy định cụ thể các trường hợp được chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền. Đồng thời quy định rõ các ủy quyền không thỏa mãn đủ các yếu tố quy định tại khoản 4 Điều 24 thì phải thực hiện chứng thực theo thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Liên quan đến nội dung này, Trưởng phòng Quản lý chứng thực Lê Thị Tú Hồng cho biết, Thông tư quy định một trong những trường hợp được chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP là ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, trong quá trình triển khai đã có ý kiến phản hồi là tại sao chỉ áp dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội mà không áp dụng với các ngân hàng khác.

“Khác với ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Do đó, quy định trong Thông tư 01 sẽ góp phần tạo điều kiện để Ngân hàng Chính xã hội thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách”, bà Lê Thị Tú Hồng nói.

Cũng theo Trưởng phòng Quản lý chứng thực Lê Thị Tú Hồng, một điểm mới đáng chú ý nữa trong Thông tư 01/2020/TT-BTP là đã bổ sung quy định cách xử lý văn bản chứng thực trái luật. Cụ thể, các văn bản trước đây mới chỉ quy định về giá trị pháp lý của bản sao được chứng thực, không quy định việc xử lý văn bản chứng thực trái luật. Khoản 1, Điều 7 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định, các giấy tờ, văn bản được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không đúng quy định thì không có giá trị pháp lý.

Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực sai quy định đối với giấy tờ, văn bản do Phòng Tư pháp chứng thực. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực sai quy định đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực.

Sau khi ban hành quyết định hủy bỏ giấy tờ, văn bản chứng thực, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm đăng tải thông tin về giấy tờ, văn bản đã được chứng thực nhưng không có giá trị pháp lý lên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-tap-huan-cac-diem-moi-ve-chung-thuc-200114.html