Hà Nội: Tăng cường xử phạt vi phạm tại các bếp ăn tập thể

Mặc dù công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) các bếp ăn tập thể Khu công nghiệp (KCN) đã được chú trọng, thậm chí giữa Sở Y tế Hà Nội và Ban Quản lý KCN và chế xuất Hà Nội đã ký Quy chế phối hợp về bảo đảm ATTP cho các cơ sở, song vẫn lác đác xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội kiểm tra một bếp ăn tập thể.

Ảnh minh họa. Ảnh: Dương Ngọc

Đó là thông tin Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung chia sẻ tại buổi Tọa đàm trực tuyến về “Bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể KCN” do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức. Tại đây, ông Trần Văn Chung cho biết: Hiện trên địa bàn Hà Nội có 4.256 bếp ăn tập thể, trong đó có 457 bếp ăn tập thể KCN. “Lỗ hổng” trong vấn đề ATTP tại các bếp ăn tập thể hiện nay là kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.

Nguyên nhân để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu do quá trình chế biến, vận chuyển chưa đảm bảo các điều kiện về ATTP, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.

Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Hoàng Thị Minh Thu chỉ ra, qua kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các KCN, cơ quan chức năng đã phát hiện một số lỗi hay gặp như: Thiết kế và tổ chức bếp không theo nguyên tắc một chiều, hệ thống cống thoát nước không đảm bảo; kho và thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng; người chế biến không khám sức khỏe hoặc xác nhận kiến thức vệ sinh thực phẩm.

Một phần do chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể. Có doanh nghiệp đã giao cho bộ phận nhân sự quản lý, nhưng bộ phận này lại ít khi kiểm tra hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức. Một số doanh nghiệp liên kết nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống nấu tại chỗ, nhưng lại chưa chủ động cùng nhà thầu khắc phục các điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo tại bếp của đơn vị mình. Qua kiểm tra, Chi cục đã xử phạt 9 bếp ăn tập thể vi phạm với số tiền 49,5 triệu đồng, Thanh tra Sở Y tế cũng đã kiểm tra 37 bếp ăn tập thể, xử phạt 5 cơ sở số tiền 36 triệu đồng.

Trước thực trạng trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát đề xuất, hiện nay, nguồn thực phẩm Hà Nội sản xuất chỉ cung cấp được khoảng 60%, còn lại 40% nhập từ ngoại tỉnh. Đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, TP Hà Nội đã xây dựng các chương trình, đề án để sản xuất vùng tập trung và đang được kiểm soát rất tốt nhờ lực lượng của nông nghiệp trên địa bàn các xã giám sát, quản lý sản xuất trước khi ra thị trường. Đối với 40% phần nhập khẩu từ ngoại tỉnh, TP Hà Nội đã ký kết với 21 tỉnh, TP phía Bắc cung cấp thực phẩm sạch về TP Hà Nội. Với các công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc TP quản lý, chúng tôi đã thực hiện kiểm tra, đánh giá, phân loại sản phẩm đảm bảo ATTP sẽ được gắn mã QR code nhằm theo dõi, truy xuất nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, các công ty, bếp ăn tập thể có thể lựa chọn những đơn vị có uy tín đã được thẩm định.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung nhấn mạnh, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, quy trình điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm cho chủ cơ sở, người chế biến, người quản lý bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, sẽ tăng cường xử phạt vi phạm tại các bếp ăn tập thể nhằm tăng sức răn đe và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành của người chế biến, người sử dụng trong phòng, chống các nguy cơ về lây nhiễm và ngộ độc thực phẩm./.

Mỹ Anh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/ha-noi-tang-cuong-xu-phat-vi-pham-tai-cac-bep-an-tap-the-493851.html