Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động

Năm 2020, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác ATVSLĐ. Trong đó đáng chú ý, các cơ quan chức năng thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về ATVSLĐ; xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và của công dân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

UBND thành phố Hà Nội đã có Báo cáo số 107/BC-UBND, về tổng kết công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020.

Năm 2019, song song với triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn, huấn luyện về công tác ATVSLĐ và đạt được những kết quả rõ nét, các cơ quan chức năng thành phố đã quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về lĩnh vực này. Trong đó, Sở LĐ,TB&XH Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm và đã kiến nghị, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp chấn chỉnh khắc phục tồn tại, sai phạm.

Ngoài ra, các đoàn kiểm tra của Sở LĐ,TB&XH đã yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tạm đình chỉ 62 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vi phạm quy định về an toàn trong quá trình sử dụng; xử phạt vi phạm hành chính các 49 đơn vị, công trình xây dựng vi phạm về ATVSLĐ với tổng số tiền hơn 474,7 triệu đồng. Qua kiểm tra 231 đơn vị, công trình xây dựng, Sở đã có 738 kiến nghị yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót về ATVSLĐ. Từ đó góp phần giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng môi trường lao động đảm bảo an toàn, ngăn ngừa các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra.

Tương tự, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc tại 28 doanh nghiệp có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp.

Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành 03 kế hoạch kiểm tra đối với 45 công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách, 12 công trình sử dụng nguồn vốn khác, 10 phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng. Tổ chức kiểm tra, tham gia ý kiến về biện pháp thi công đảm bảo an toàn lao động trong việc sử dụng cần trục tháp trong thi công xây dựng công trình đối với 110 dự án. Qua kiểm tra, đánh giá cơ bản công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình thi công tại các dự án đã được chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công chú trọng thực hiện theo các quy định hiện hành.

Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch kiểm tra tại cơ sở kinh doanh LPG, gồm: 18 đơn vị trạm nạp, trạm cấp gas; kiểm tra công tác quản lý vật liệu nổ 03 đơn vị; kiểm tra công tác an toàn hóa chất tại 30 đơn vị hoạt động hóa chất; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường 10 đơn vị.

Về vấn đề này, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 46 cuộc kiểm tra về công tác ATVSLĐ với 751 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và đã có 1.335 kiến nghị yêu cầu các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, thiếu sót về công tác ATVSLĐ.

Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2020, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác ATVSLĐ. Trong đó đáng chú ý, các cơ quan chức năng thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về ATVSLĐ; xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và của công dân. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác đối thoại giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước để thúc đẩy việc cải thiện điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ…

Ánh Tuyết

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-tang-cuong-thanh-tra-kiem-tra-xu-ly-vi-pham-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-190690.html