Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kỷ luật, kỷ cương hành chính

Ngày 22-5, UBND thành phố Hà Nội ra thông cáo báo chí (số 09/TC-UBND) về kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 của thành phố Hà Nội.

Thông cáo khẳng định, công tác cải cách hành chính được Thành ủy, HĐND và UBND thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị năm 2019", với mục tiêu xây dựng chính quyền thành phố theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền, từ thành phố đến cơ sở.

Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của thành phố; có nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành sớm, về đích trước thời hạn đề ra trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ.

Về kết quả Chỉ số cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố năm 2019, Hà Nội đạt 84,64 điểm (84,64%), xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là năm thứ ba liên tiếp Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội được duy trì, giữ vững thứ hạng cao.

Hà Nội tiếp tục được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao về tính năng động, sáng tạo, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành; có nhiều sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về cải cách hành chính.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của Hà Nội cũng chỉ ra một số chỉ số thành phần còn đạt điểm thấp, như: Việc tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách; việc triển khai kiến trúc chính quyền điện tử; việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh...

Để tiếp tục duy trì thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính và khắc phục những chỉ số thành phần chưa được cải thiện, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự ủng hộ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ được thành phố giao, bảo đảm hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, thành phố.

Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ các chi phí không chính thức; kịp thời công bố công khai và cập nhật thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, trang thông tin điện tử và tại nơi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để trễ hẹn; kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực.

Các cơ quan, đơn vị bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, cơ chế khoán kinh phí hành chính, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm tỷ lệ giảm chi trực tiếp ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp.

Thời gian tới, thành phố sẽ triển khai xây dựng hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, các dịch vụ công thiết yếu, cơ bản...

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách.

Thành Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/968102/ha-noi-tang-cuong-thanh-tra-kiem-tra-giam-sat-ky-luat-ky-cuong-hanh-chinh