Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý sử dụng thuốc và dược lâm sàng

Nhằm bảo đảm việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả trong các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý sử dụng thuốc và dược lâm sàng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước hết là tăng cường hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị, xây dựng các quy định về quản lý và sử dụng thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh, cụ thể: các tiêu chí lựa chọn thuốc để xây dựng danh mục thuốc, ưu tiên thuốc sản xuất trong nước; quy trình và tiêu chí bổ sung hoặc loại bỏ thuốc ra khỏi danh mục thuốc; các tiêu chí để lựa chọn thuốc trong đấu thầu; quy trình cấp phát thuốc; hạn chế sử dụng một số thuốc có giá trị lớn hoặc thuốc có phản ứng có hại nghiêm trọng; quy trình giám sát sử dụng thuốc tại các khoa lâm sàng và tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình, quy định này.

Tùy vào quy mô và khả năng của mỗi bệnh viện, Hội đồng thuốc và điều trị có thể xây dựng hướng dẫn điều trị hoặc tham khảo từ những tài liệu đã có để xây dựng hướng dẫn điều trị sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh, bằng cách xác định các bệnh cần hướng dẫn điều trị; lựa chọn và xây dựng các hướng dẫn điều trị phù hợp; phổ biến hướng dẫn và thực hiện hướng dẫn điều trị; tiến hành theo dõi, giám sát việc tuân thủ hướng dẫn điều trị; định kỳ rà soát và cập nhật các nội dung hướng dẫn đã được xây dựng.

Xác định và phân tích các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc trong suốt quá trình từ khi tồn trữ, bảo quản đến kê đơn, cấp phát và sử dụng. Cụ thể là tình trạng trống kho do thiếu kinh phí, tồn kho do hệ thống cung ứng hoặc dự trù chưa phù hợp với sử dụng của các khoa lâm sàng; thuốc không bảo đảm chất lượng do điều kiện bảo quản không đúng; kê đơn thuốc không phù hợp với tình trạng bệnh lý của người bệnh; người kê đơn không tuân thủ danh mục thuốc, không tuân thủ phác đồ, hướng dẫn điều trị, không chú ý đến sự tương tác của thuốc trong đơn.

Tiếp đến là đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng và nâng cao vai trò của dược sĩ lâm sàng trong bệnh viện. Dược sĩ lâm sàng tham gia xuyên suốt toàn bộ quá trình từ tham gia xây dựng danh mục thuốc, xây dựng quy trình chuyên môn liên quan đến sử dụng thuốc và giám sát sử dụng thuốc, tư vấn, giám sát kê đơn thuốc và sử dụng thuốc, theo dõi giám sát phản ứng có hại của thuốc và phân tích đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh. Đẩy mạnh hướng dẫn, giám sát sử dụng thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh của dược sĩ lâm sàng bằng cách tập trung kiểm tra, giám sát trực tiếp trên đơn thuốc với một tỷ lệ đơn thuốc nhất định tùy theo tình hình thực tế của đơn vị. Định kỳ phân tích, đánh giá những thuốc có giá trị cao bán ra tại nhà thuốc, cấp phát ngoại trú BHYT; tăng cường việc đi buồng cùng với các bác sĩ và trực tiếp giám sát cấp phát thuốc tại khoa lâm sàng; kịp thời phát hiện và phản hồi những sai sót trong kê đơn (nếu có) và đưa ra những khuyến cáo cần thiết đến các bác sĩ.

Hoàn thiện hệ thống quy trình, quy định và văn bản hóa mọi hoạt động của Hội đồng thuốc điều trị và Dược sĩ lâm sàng. Đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng thuốc trong cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc của khoa dược, bộ phận dược. Tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về sử dụng thuốc, dược lâm sàng.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế trực thuộc tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát công tác sử dụng thuốc, dược lâm sàng tại đơn vị. Sở Y tế sẽ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác quản lý sử dụng thuốc, công tác dược lâm sàng tại các đơn vị từ nay cho đến hết năm 2020.

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-su-dung-thuoc-va-duoc-lam-sang-182274.html