Hà Nội tăng cường các biện pháp đôn đốc nợ

Theo Cục Thuế TP Hà Nội, bên cạnh các DN chấp hành nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước, vẫn còn một nhóm DN dù có tình hình sản xuất kinh doanh không quá khó khăn, thậm chí có dòng tiền nhưng vẫn cố tình chây ì, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.

Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Dự án đã bán hết vẫn nợ thuế hàng chục năm

Triển khai Dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở tại địa chỉ 52 Lĩnh Nam cách đây hàng chục năm, đến nay, tổng số 270 căn hộ và 17 căn thấp tầng của dự án đã được bán hết, tiền thu về đến 95%, nhà đã bàn giao cho khách, bất động sản tồn kho bằng không nhưng Công ty CP Lilama Hà Nội vẫn nợ ngân sách trên 193 tỷ đồng. Số nợ này bao gồm tiền sử dụng đất, thuế, phí và tiền chậm nộp với tuổi nợ lên đến 10 năm. Từ năm 2008 đến nay, DN này chỉ nộp 202 triệu đồng tiền thuế trong khi năm 2017 vẫn đều đặn trả lương cho 111 lao động với tổng thu nhập chịu thuế trả cho cá nhân gần 6 tỷ đồng. Năm 2018, tổng thu nhập chịu thuế là hơn 3,5 tỷ đồng. DN hiện có công nợ phải thu từ khách hàng gần 113 tỷ đồng. Lilama chỉ là một trong nhiều trường hợp DN có dòng tiền nhưng vẫn chây ì nợ nghĩa vụ ngân sách Nhà nước hàng chục năm trời. Mặc dù cơ quan thuế, Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng TP đã nhiều lần mời DN lên làm việc để đôn đốc nhưng đơn vị vẫn chây ì không nộp.

Một số cái tên với số nợ lớn nhưng chây ì nhiều năm đã được cơ quan thuế Hà Nội nêu đích danh gồm Công ty CP Lilama Hà Nội, Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà, Công ty TNHH Đá quý Thế giới, Công ty CP Đầu tư và phát triển Lũng Lô 5…

Một trường hợp khác là dự án Khu nhà ở cho cán bộ chiến sĩ công an quận Hoàng Mai của Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà đã có số nợ xấp xỉ 157 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc tiền sử dụng đất 53 tỷ đồng, tiền chậm nộp trên 97 tỷ đồng (do dự án tuổi nợ trên 10 năm). Ngoài số nợ trên, đơn vị còn khoản nợ thuế, phí khoảng 6,5 tỷ đồng. Nợ thuế kéo dài, trong khi 398 căn hộ của dự án đã được bán hết và đã bàn giao cho khách hàng đưa vào sử dụng, tiền thu được qua 4 đợt là 90%. Thực tế, DN hiện cũng đang triển khai dự án BT đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng ra QL1A. Cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc thu hồi nợ như: Cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, cưỡng chế hóa đơn không có giá trị sử dụng, công khai nợ thuế trên trang website Cục Thuế TP Hà Nội… nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan.

Cũng đầu tư ngoài ngành, kinh nghiệm đầu tư, điều hành dự án bất động sản hạn chế nên từ 4 năm nay Công ty TNHH Đá quý Thế giới đã nằm trong danh sách đơn vị nợ thuế dây dưa kéo dài. Dự án Tòa nhà hỗn hợp AZ SKY tại Khu đô thị mới Định Công của Công ty hiện có tổng nợ gần 129 tỷ đồng, bao gồm tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp. Điều đáng nói là toàn bộ 392 căn hộ của dự án đã được bàn giao cho khách hàng vào ở, tổng tiền bán hàng đã thu được 662,8 tỷ đồng nhưng DN vẫn chưa nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Tính từ thời điểm nhận được quyết định về tiền sử dụng đất năm 2016 đến nay là gần 4 năm, Công ty CP Đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 mới nộp được 50% tiền thuế sử dụng đất. Hiện DN này vẫn nợ 334 tỷ đồng sau khi thực hiện Dự án Khu chức năng đô thị Ao Sào, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Ngoài ra, DN còn có khoản nợ tiền chậm nộp thuế, phí ở Chi cục Thuế Nam Từ Liêm 2,9 tỷ đồng. Đến nay, 301 căn hộ của dự án đã được công ty bán hết, tiền bán hàng thu về 100%, đã cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà. Công ty vẫn trả lương đều đặn cho người lao động, song thuế thì vẫn còn tồn đọng lớn.

Thêm nhiều giải pháp mạnh

Theo Cục Thuế TP Hà Nội, bên cạnh các DN chấp hành nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước thì vẫn còn một nhóm DN nợ rất khó thu (bao gồm nợ thuế phí, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Những DN này có tình hình sản xuất kinh doanh không quá khó khăn, thậm chí một số DN vẫn có sự tăng trưởng, thu được tiền khi bán hàng, có dòng tiền luân chuyển khá nhưng vẫn cố tình chây ì, trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Mặc dù cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn theo quy định của Luật Quản lý thuế; mời DN lên làm việc, trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn nhưng DN vẫn cố tình chây ì, trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của TP mà còn không công bằng với những DN làm ăn nghiêm túc, chấp hành tốt nghĩa vụ của mình với Nhà nước.

Đối với các đơn vị này, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh tay để thu hồi nợ thuế. Theo đó, cơ quan thuế công khai các thông tin định kỳ hàng tháng đối với các đơn vị nợ đọng lớn, chây ì trên địa bàn. Kiên quyết thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo quy trình, quy định. Đối với các trường hợp cưỡng chế hóa đơn không hiệu quả, không đảm bảo thu hồi số nợ vào ngân sách Nhà nước, Cục Thuế TP Hà Nội đang tiến hành rà soát để thực hiện các bước xác minh thông tin áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo (kê biên tài sản, thu tiền từ bên thứ 3 và thu hồi giấy phép kinh doanh).

Đối với các trường hợp qua quá trình quản lý đánh giá có dấu hiệu chây ì (có dòng tiền luân chuyển nhưng không thực hiện nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước), Cục Thuế đã chuyển thanh tra đột xuất, toàn diện để có cơ sở đánh giá, báo cáo đề xuất UBND TP và Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính các biện pháp quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa (thu hồi dự án, chuyển biện pháp cưỡng chế...).

Nha Trang

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-tang-cuong-cac-bien-phap-don-doc-no-359810.html