Hà Nội tăng 124 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4

Bộ trưởng Thông tin TT Nguyễn Mạnh Hùng: Hà Nội nên đặt mục tiêu đi đầu về đầu tư 5G để thành phố đồng hành với các Thủ đô khác trên thế giới...

Chiều 5/6, tại Hà Nội Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin truyền thông đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển thông tin và truyền thông trong các năm 2020, 2021 và định hướng trong thời gian tiếp theo.

Ông Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông

Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả triển khai các nội dung tại biên bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND thành phố Hà Nội năm 2019 và đề xuất các nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có sự tham gia của hơn 50% tổng số Doanh nghiệp bưu chính cả nước, với xấp xỉ hơn 10 triệu thuê bao di động. Hiện thành phố có 2 Khu công nghệ thông tin tập trung (chiếm 40% khu công nghệ thông tin toàn quốc). Do vậy, Hà Nội luôn là địa bàn được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn phát triển các kỹ thuật bưu chính viễn thông tiên tiến.

Thực hiện biên bản ghi nhớ giữa thành phố Hà Nội và Bộ Thông tin và truyền thông, Hà Nội đã tăng 124 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến, phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát an toàn thông tin của thành phố. Đến nay, thành phố chưa xảy ra sự cố mất an toàn thông tin mạng.

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông thành phố Hà Nội cho biết: “Chúng tôi xác định, mục tiêu tổng quát là hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng, quản lý thành phố thông minh, xây dựng xong nền tảng hạ tầng thông tin. Thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội chủ yếu, đảm bảo kết nối an toàn, tin cậy, thông suốt các thành tố chính trong thành phố. Và chúng tôi cũng đảm bảo nguồn nhân lực triển khai việc đó. Và cũng xác định xây dựng đến năm 2030 thành phố tiến lên dẫn đầu về ASEAN về thành phố thông minh, ứng dụng thông minh được sử dụng rộng khắp hạ tầng thông tin thế hệ mới hiện đại, hiệu quả, đảm bảo thông minh hóa ở mức độ cao và có nguồn nhân lực đảm bảo phát triển xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn mới".

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng đang gặp những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thông tin truyền thông, như giá cước dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích còn cao; Chưa có quy hoạch băng tần cho mạng 5G. Cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh hiện chưa đầy đủ…

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục triển khai quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của Doanh nghiệp; Phối hợp kiểm tra, xử lý tình trạng độc quyền về hạ tầng dùng chung trong tòa nhà, khu chế xuất… Phối hợp thúc đẩy 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong năm nay...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị: “Hà Nội cũng nên đặt mục tiêu đi đầu về đầu tư 5G để thành phố đồng hành với các Thủ đô khác trên thế giới, cũng tương đương với thủ đô của các nước phát triển về 5G. Thực ra đầu tư toàn quốc có thể là đầu tư lớn, nhưng đầu tư riêng cho Hà Nội thì không lớn, vì mật độ dân cư cao. Và trước mắt mình muốn kêu gọi làn sóng đầu tư mới, chắc chắn hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung bắt buộc phải có 5G vì tất cả các nhà máy đều là các nhà máy thông minh hết rồi”.

Theo VOV

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/ha-noi-tang-124-dich-vu-cong-truc-tuyen-muc-do-34-294123.htm