Nhận diện thủ đoạn, hành vi để đấu tranh với buôn lậu thời kỳ 'hậu Covid'

Đỉnh dịch đã qua, các hoạt động kinh tế - xã hội bình thường trở lại, nguy cơ buôn lậu gia tăng, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó đặc biệt lưu ý đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh đúng, trúng.

Nguy cơ buôn lậu gia tăng

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương đã giảm nhiệt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu đang dần bình thường trở lại. Bối cảnh đó lại đặt ra nguy cơ hoạt động buôn lậu, gian lận “sôi động” hơn nữa, các đối tượng lợi dụng tuyến biên giới, đường mòn, lối mở, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ,… Bên cạnh đó, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động và ngày càng tinh vi, đặc biệt là trà trộn, cất giấu các mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng nhập khẩu có điều kiện qua cửa khẩu.

Nguồn: Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đồ họa: Hồng Vân

Trong thị trường nội địa, hàng giả, hàng nhái từ các mặt hàng tiêu dùng thông thường đến hàng tiêu dùng cao cấp diễn ra với nhiều chiêu thức khác nhau với xu hướng ngày càng phức tạp. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát dẫn đến hoạt động thương mại điện tử, mua bán online, mua bán qua mạng xã hội và qua phương thức chuyển phát nhanh, bưu kiện… phát triển mạnh mẽ. Đây là một trong những hoạt động kinh doanh, mua bán, vận chuyển hàng hóa mà các đối tượng lợi dụng để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa trái phép, không đảm bảo chất lượng, trà trộn hàng giả và hàng thật, hàng kém chất lượng diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Nhiều vụ việc đã bị lực lượng chức năng trên cả nước phát hiện, bắt giữ. Điển hình từ đầu tháng 4/2022 đến nay, TP Hồ Chí Minh phát hiện, thu giữ 7 tấn vải nhập lậu trị giá trên 300 triệu đồng; Đồng Tháp liên tiếp bắt nhiều vụ thuốc lá ngoại nhập lậu, số lượng lên tới hàng nghìn gói; Phú Yên phát hiện lô nước hoa không rõ nguồn gốc trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng; Quảng Trị bắt giữ 60 chai rượu ngoại và 4.000kg đường trắng nhập lậu; Tây Ninh thì tóm gọn một đường dây thuê người vận chuyển hàng nhập lậu chủ yếu là bia, rượu, đường cát, Redbull từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ,…

Nghiên cứu sửa chính sách để tránh sơ hở

Trên cơ sở dự báo tình hình thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, một số nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra.

Trong đó, thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh cụ thể, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử nhằm thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định của pháp luật còn bất cập, sơ hở, mà các đối tượng có thể lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Tuyên truyền, phản ánh kịp thời kết quả đấu tranh chống buôn lậu

Các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả; lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý…

Cũng theo ông Lê Thanh Hải, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt, chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình mới.

Đồng thời, các lực lượng chức năng làm tốt công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, tăng cường giám sát bằng camera, nhất là tại các đường mòn, lối mở biên giới, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, triệt phá tận gốc, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, xác định không có vùng cấm trong công tác này.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp chia sẻ thông tin, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa… phát hiện, xử lý kịp thời các lô hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam và chính sách ưu đãi mà các nước dành cho Việt Nam thông qua các Hiệp định FTA thế hệ mới.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhan-dien-thu-doan-hanh-vi-de-dau-tranh-voi-buon-lau-thoi-ky-hau-covid-103623.html