Hà Nội tái đàn lợn chậm

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội nằm trong nhóm 4 (nhóm cuối cùng) về tốc độ tăng đàn, tái đàn lợn của cả nước.

Mặc dù, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đã được Hà Nội kiểm soát tương đối tốt, ổ dịch bùng phát diễn ra ở quy mô nhỏ và thiệt hại không quá lớn, tuy nhiên, việc tăng đàn, tái đàn lợn của Hà Nội hiện nay còn chậm so với yêu cầu.

Tái đàn lợn của Hà Nội hiện nay còn chậm so với yêu cầu. Ảnh minh họa: Nguyễn Oanh/TTXVN

Tái đàn lợn của Hà Nội hiện nay còn chậm so với yêu cầu. Ảnh minh họa: Nguyễn Oanh/TTXVN

Lý giải về vấn đề tốc độ chậm tái đàn lợn của Hà Nội, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, nguyên nhân là do khoảng 33.000 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi. Các hộ chăn nuôi này đã và đang chuyển đổi dần sang các giống vật nuôi gia súc, gia cầm khác thay thế lợn.

Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Số lợn bị tiêu hủy là 543.807 con, với tổng trọng lượng ước tính khoảng 37.155 tấn. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát lại khiến 91 con lợn bị tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 6,7 tấn.

Sau thiệt hại nặng nề, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rơi vào tình trạng thiếu vốn để tái đàn. Bên cạnh đó, việc tăng đàn, tái đàn hiện nay cũng không dễ, do giá lợn giống hiện rất cao (3,5 - 3,8 triệu đồng/con) và rất khó để mua được. Điều kiện để tái đàn của nhiều hộ chăn nuôi cũng không đảm bảo, nhất là vấn đề chuồng trại bảo đảm an toàn sinh học để tái đàn theo quy định.

Ông Nguyễn Huy Đăng cũng cho rằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu thụ khiến một bộ phận người chăn nuôi còn dè dặt trong tăng đàn, tái đàn lợn. Cùng với đó, việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (trong đó, thức ăn cho lợn chiếm tỷ trọng lớn) cũng gặp không ít khó khăn làm ảnh hưởng đến chăn nuôi…

Theo các chuyên gia nông nghiệp, dự báo trong giai đoạn tới, nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rất lớn. Bởi thời tiết thay đổi, khí hậu diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát tán rộng. Do đó để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đàn lợn đạt khoảng 1,8 triệu con vào cuối năm 2020 theo kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn tập trung rà soát các cơ sở chăn nuôi, hỗ trợ và quản lý chặt chẽ việc tái đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học.

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đàn lợn, ngày 10/9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 180/KH-UBND về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, Hà Nội sẽ phấn đấu trong 2 năm đầu thực hiện kế hoạch toàn thành phố có trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh dịch tả lợn châu Phi; trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh dịch tả lợn châu Phi trong 2 năm tiếp theo; trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh dịch tả lợn châu Phi trong 2 năm cuối thực hiện kế hoạch; xây dựng thành công ít nhất 10 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn bệnh dịch tả lợn châu Phi, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lợn, sản phẩm thịt lợn.

Hà Nội phấn đấu 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ (theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi) áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Nam Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ha-noi-tai-dan-lon-cham-20200915093022109.htm